Thế giới bơm tiền cho phục hồi
Để phục hồi sau đại dịch Covid-19, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã xác định rõ phương hướng cần thực hiện là: khôi phục lại hoạt động du lịch, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh về kinh tế - xã hội và từng bước phục hồi và phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững. Theo UNWTO, các quốc gia cũng đưa ra các giải pháp tập trung vào chính sách thuế, chính sách tiền tệ, chính sách về nguồn nhân lực, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác công - tư để phục hồi hoạt động du lịch và các giải pháp về an toàn sức khỏe để giải quyết các vấn đề trên.
Du khách tham quan Hội An (Quảng Nam) tháng 11.2021 |
Mạnh Cường |
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực cho ngành du lịch do dịch bệnh gây ra, nhiều quốc gia đã đưa ra các gói cứu trợ và hàng loạt biện pháp bổ sung đi kèm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người lao động. Mỹ, quốc gia có tổng thu từ ngành du lịch lớn nhất thế giới, đưa ra gói hỗ trợ 50 tỉ USD chỉ riêng cho các hãng hàng không. Các công ty du lịch cũng có phần từ gói hỗ trợ 2.000 tỉ USD dành cho tất cả DN. Trung Quốc ban hành chính sách nhằm duy trì việc làm cho hướng dẫn viên du lịch để giữ lại lực lượng lao động thiết yếu cho việc phục hồi ngành du lịch.
Để thiết lập các quy định bình thường mới, đưa du lịch hoạt động trở lại đòi hỏi giải pháp về an toàn sức khỏe. Mỹ đã ban hành hướng dẫn về vấn đề an toàn và sức khỏe dành cho du khách. Tây Ban Nha ban hành con dấu Chứng nhận du lịch an toàn cho các tổ chức, công ty vượt qua cuộc kiểm tra do các công ty độc lập thực hiện. Trung Quốc yêu cầu tất cả khách du lịch trong nước (kể cả công dân Trung Quốc) phải cung cấp kết quả xét nghiệm trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành và thực hiện cách ly theo hướng dẫn. New Zealand đưa vào sử dụng ứng dụng NZ Covid Tracer cho phép tạo nhật ký về những nơi khách đến thăm bằng cách quét mã QR chính thức.
Đề xuất giải pháp phục hồi ngành du lịch VN
Để phục hồi ngành du lịch, VN cần tiếp tục hỗ trợ DN và người lao động giảm thiểu thiệt hại, vượt qua khó khăn thông qua chính sách tiền tệ, thuế và chính sách hỗ trợ người lao động; đồng thời giúp cho các DN hạn chế được sự suy giảm nguồn lực đang diễn ra hằng ngày.
Từ bài học về việc ứng phó khủng hoảng trong hiện tại và quá khứ, cần lập kế hoạch để chủ động ứng phó với những rủi ro, khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.
Cần ban hành và cập nhật các hướng dẫn đầy đủ về đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch đối với cơ sở kinh doanh du lịch và khách du lịch. Tạo lập các trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh để đón khách quốc tế sử dụng hộ chiếu vắc xin.
Cần thúc đẩy hợp tác công - tư trong các hoạt động hỗ trợ DN phục hồi và chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững: phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao theo hướng sản phẩm du lịch xanh, nâng cao các tiêu chuẩn dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm và tuyến du lịch, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch.
VN cũng cần hợp tác quốc tế để thường xuyên cập nhật và áp dụng các biện pháp về đi lại an toàn theo thông lệ quốc tế, đặc biệt với các thị trường du lịch chính như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Tây Âu.
Hội thảo “Du lịch VN - phục hồi và phát triển”
Ngày 24.12, tại Nghệ An, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội (QH) phối hợp với Bộ VH-TT-DL và tỉnh Nghệ An tổ chức họp báo thông tin về hội thảo “Du lịch VN - phục hồi và phát triển”. Hội thảo diễn ra tại TX.Cửa Lò (Nghệ An) ngày 25.12 với khoảng 300 đại biểu tham gia, gồm các đại biểu QH, nhà quản lý, chuyên gia, DN, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước.
Hội thảo được kết nối trực tuyến với các điểm cầu trên cả nước, trong đó có các địa phương trọng điểm về du lịch.
Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của QH, cho biết hội thảo nhằm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch VN; thảo luận về định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch VN nhanh và bền vững; kiến nghị QH, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn hỗ trợ DN và người dân; cung cấp thông tin để các đại biểu QH quyết định những chính sách đột phá nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết cuối tháng 11 vừa qua, được sự cho phép của Chính phủ, ngành du lịch đã triển khai thí điểm đón khách quốc tế đến VN tại 5 địa phương và ước tính đến hết năm 2021, VN sẽ đón khoảng 3.500 khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin.
Năm 2022 dự kiến đón 5 triệu lượt khách có hộ chiếu vắc xin, khách nội địa khoảng 60 triệu lượt, với tổng thu 400.000 tỉ đồng.
Khánh Hoan
Ý kiến
Nhờ công nghệ thực tế ảo, nhiều DN dễ dàng phân tích được thị hiếu, thói quen của du khách từng thị trường để có định hướng tiếp cận phù hợp. Quan trọng nữa là kết hợp với nghiên cứu thị trường thực tế để tạo được tệp “big data” (kho dữ liệu) về nhu cầu các hãng lữ hành gửi khách đến VN…
Ông Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World
Tại thị trường VN, điều tra của Outbox Consulting và Traveloka VN phối hợp thực hiện thì có 47% số người được hỏi cho biết họ đã từng đi hơn 4 chuyến đi trong năm, thay vì tham gia một tour theo nhóm. Có 19,8% người chọn đi du lịch một mình. 43% sẽ tiếp tục tham gia du lịch một mình, 33% cho biết có dự định đi một mình trong năm tới. Có thể thấy tiềm năng của phân khúc thị trường khách du lịch cá nhân hóa, không chỉ khách nước ngoài mà còn cả khách nội địa.
Theo Agoda và YouGov công bố năm 2018, TP.HCM cũng nằm trong top 10 điểm đến được yêu thích của cộng đồng du lịch cá nhân. Sự xuất hiện ồ ạt của các nền tảng du lịch chuyên phục vụ thị trường khách du lịch cá nhân như Klook, Fayfay… tại VN trong vài năm trở lại đây cho thấy dấu hiệu tăng trưởng xu hướng du lịch cá nhân là có cơ sở.
Th.S Phùng Anh Kiên, Trường ĐH Văn Lang
Bình luận (0)