Kiên quyết giữ vững độc lập tự chủ
Bài học lớn nhất, bao quát nhất nhìn từ Hiệp định Geneva là bài học về giữ vững quyền độc lập tự chủ trong quá trình đàm phán. Larry Berman trong cuốn Không hòa bình, chẳng danh dự Nixon, Kissinger, và sự phản bội ở Việt Nam đã tiết lộ những điều Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ nói với ông H. Kissinger, Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ trong những ngày đàm phán ở Paris (Pháp). Theo đó, ông Lê Đức Thọ nói: "Trong cuộc đấu cờ, người thắng và kẻ thua phải chính là những người chơi cờ, không còn cách nào khác. Chúng tôi độc lập trong việc giải quyết vấn đề của chúng tôi".
Sau đó, trong hồi ký của mình, ông Kissinger tỏ ra đã hiểu tại sao trong cả quá trình đàm phán phía Việt Nam kiên quyết giữ vững điều 1 của Hiệp định Paris: "Hoa kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam đã công nhận".
Nguyên tắc "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn từ năm 1946 đã trở thành phương châm hành động cơ bản của ngoại giao Việt Nam. Điều "bất biến" chính là độc lập, chủ quyền của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Tuân thủ nguyên tắc tối cao này, chúng ta có thể tự tin ứng phó với "vạn biến" khi tình hình luôn thay đổi. Điều "bất biến" đó đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rõ thêm trong cuốn Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam": "Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của chúng ta".
Sự dàn xếp, thỏa hiệp giữa các nước lớn tại Hội nghị Geneva làm hại đến lợi ích của cả ba nước Đông Dương. Đây cũng là điều khó tránh ở một hội nghị quốc tế, khi "luật chơi" và cả diễn biến "cuộc chơi" đều do các nước lớn quyết định. Ở Hội nghị Geneva, Việt Nam đã phải thuận theo nhiều lời "chỉ dẫn" bất lợi từ các "đồng chí", "đồng minh" của mình. Bài học sâu sắc qua Hội nghị Geneva là phải nắm rõ cả những toan tính của các "đồng chí", "đồng minh", không được mơ hồ và ảo tưởng.
Những nước lớn luôn có những toan tính chiến lược riêng. Trong đấu tranh ngoại giao, điều cốt yếu là phải nhạy bén phân tích và nhận rõ chiến lược và những mục tiêu của các nước lớn để có chiến lược và sách lược ứng phó kịp thời và hiệu quả. Trong hoạt động đối ngoại phải đánh giá chính xác tình hình thế giới, nhất là chiến lược của các nước lớn để tìm ra đối sách phù hợp cho từng vấn đề trên nguyên tắc đảm bảo tối cao lợi ích quốc gia dân tộc.
Tăng cường thực lực và năng động ngoại giao
Bên cạnh bài học giữ vững độc lập, tự chủ là bài học về phối hợp tốt trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao. Phương pháp kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngoại giao với quân sự, tạo cục diện "vừa đánh vừa đàm", tạo dư luận quốc tế, gây áp lực buộc đối phương phải xuống thang cả trên chiến trường và trên bàn đàm phán đã được vận dụng hữu hiệu trên bàn Hội nghị Paris và đã đạt thắng lợi. Diễn biến quá trình đàm phán để đi đến ký bản Hiệp định Paris (1.1973) sau này đã nói lên điều đó.
Hướng đến hòa bình, hợp tác và cùng phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong các mối quan hệ quốc tế hiện nay. Trong bối cảnh mới, những mối quan hệ quốc tế đều được đặt trong một thế giới toàn cầu hóa. Những tính toán của mỗi nước lớn đều phải cân nhắc phản ứng của những nước lớn khác. Các nước lớn vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và chi phối những sự kiện, những mối liên kết, liên minh, những hợp đồng kinh tế lớn nhưng sẽ không dễ áp đặt những toan tính của mình như trong những giai đoạn trước.
"Sức nặng" tiếng nói của các nước vừa và nhỏ phần lớn phụ thuộc vào sự chủ động, nhạy bén, khôn khéo của những nước này với các nước lớn và cả giữa các nước vừa và nhỏ với nhau. Điều các nước nhỏ luôn cần làm là tăng cường thực lực của đất nước, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại, bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc, bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế.
Việt Nam luôn nêu cao phương châm "là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế" (Văn kiện Đại hội XIII). Điều chúng ta luôn cần coi trọng hàng đầu là tăng cường thực lực của đất nước để bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc, bảo vệ môi trường hòa bình và an ninh khu vực và thế giới, hướng đến tương lai cùng phát triển thịnh vượng bền vững. Am hiểu đối tác, xác định rõ cả thời cơ và nguy cơ là yêu cầu không thể thiếu.
Để vượt qua thách thức, bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ gìn hòa bình và tương lai phát triển luôn cần có đủ hai yếu tố: sức mạnh và trí tuệ. Sức mạnh của dân tộc được hiểu là sức mạnh tổng hợp, sức mạnh từ sự đoàn kết và đồng thuận, sức mạnh từ sự kết hợp sức mạnh dân tộc và xu hướng thời đại, kết hợp nội lực và ngoại lực.
Bên cạnh sức mạnh tinh thần, "sức mạnh mềm" của quốc gia thì sức mạnh vật chất hữu hình luôn phải được củng cố về mọi mặt nếu muốn khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên tất cả các mặt, trong đó duy trì thực lực sức mạnh quân sự để bảo vệ Tổ quốc là điều không thể bỏ qua.
Vị trí, vị thế địa chính trị của Việt Nam có giá trị như một loại tài nguyên quan trọng làm tăng vai trò và sức ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực. Nhưng vai trò đó tỷ lệ thuận với sự vững mạnh của quốc gia, sự năng động trong các mối quan hệ song phương và đa phương. Xác định được mô hình các mối quan hệ quốc tế cũng như mức độ xung đột, hợp tác giữa các nước để có những ứng xử thích hợp là điều khó nhưng xác định được thời điểm chuyển hóa các mối quan hệ đó còn khó hơn. Điều này đòi hỏi kinh nghiệm lịch sử kết hợp với sự nhạy cảm thời cuộc và nghệ thuật ngoại giao của những người giữ vai trò điều khiển đường lối kinh tế - chính trị - ngoại giao ở cấp vĩ mô.
Bình luận (0)