‘Bài học lớn nhất’ mà quân đội Trung Quốc rút ra từ chiến sự Nga-Ukraine

11/08/2022 16:03 GMT+7

Một tạp chí Trung Quốc vừa nêu ra “bài học lớn nhất” dành cho quân đội nước này từ chiến sự Nga-Ukraine sau khi Ukraine tuyên bố đánh chìm chiến hạm Nga bằng tên lửa và máy bay không người lái.

Vào giữa tháng 4, Ukraine tuyên bố đã đánh chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen thuộc Hải quân Nga bằng một tên lửa chống hạm được phóng từ trên bộ. Chưa đầy một tháng sau, giới chức Ukraine tuyên bố đánh chìm chiếc tàu thứ hai của Nga ở biển Đen trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Ngoài ra, một quan chức quốc phòng Mỹ ngày 17.6 xác nhận lực lượng Ukraine đã tấn công một tàu kéo thuộc Hải quân Nga bằng ít nhất 1 tên lửa diệt hạm Harpoon do Mỹ chế tạo, theo tờ The Washington Post.

Hình ảnh được cho là soái hạm Moskva bị cháy trên biển Đen trong tháng 4

Reuters

Từ đó, tạp chí Naval and Merchant Ships của Trung Quốc cho rằng bài học lớn nhất từ ​​chiến sự Nga-Ukraine là nhu cầu cấp thiết phải tăng cường khả năng phòng không và hiệu quả tác chiến chống tên lửa của lực lượng lính thủy đánh bộ Trung Quốc, đặc biệt là đối với các đơn vị tiền tuyến, theo SCMP ngày 8.8. “Nhiệm vụ chính của các hạm đội hộ tống là cung cấp nhiều sự hỗ trợ khác nhau, chẳng hạn như lá chắn phòng không và chống tên lửa, cho các hạm đội đổ bộ, vốn dễ bị tấn công khi tiếp cận bờ biển Đài Loan", Naval and Merchant Ships viết trong một bài báo gần đây.

Bài học Trung Quốc rút ra từ chiến sự Nga-Ukraine

Theo bài báo, khả năng phòng không của các tàu đổ bộ Trung Quốc và khả năng chống tên lửa rất yếu ngay cả khi được trang bị tên lửa phòng không tầm ngắn HQ-10. Bài báo cũng cho rằng tên lửa từ tàu nổi của Trung Quốc có tầm bắn không đủ để bảo vệ hiệu quả lực lượng lính thủy đánh bộ. "Phiên bản hải quân của tên lửa phòng không HQ-16 chỉ có tầm bắn 40 km và tàu hộ vệ Type 054A chỉ có thể mang theo số lượng hạn chế, vì vậy vẫn còn nghi ngờ liệu chúng có thể bảo vệ lính thủy đánh bộ hay không và được bao lâu”, Naval and Merchant Ships viết. Tàu hộ vệ đa nhiệm Type 054A là một trong những tàu chiến chủ lực của Trung Quốc.

Binh sĩ Trung Quốc lái xe chiến đấu bộ binh đổ bộ trong một cuộc tập trận vào tháng 5.2022

Chụp màn hình Chinamil.Com

Cũng theo Naval and Merchant Ships, hệ thống rốc két phóng loạt Thunderbolt-2000 hiện có của Đài Loan và Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142, mà Đài Bắc có thể mua trong tương lai, có thể khiến các tàu nổi của Trung Quốc khó giảm thiểu các mối đe dọa hơn nữa. Bài báo kết luận rằng Trung Quốc phải đánh giá lại khả năng phòng không của các đơn vị tiền tuyến và nâng cao khả năng tấn công.

Trung Quốc đang xây dựng quy mô và khả năng của quân đoàn thủy quân lục chiến để có thể hướng sức mạnh ra bên ngoài, theo Viện Hải quân Mỹ. Trong năm 2017, Trung Quốc đưa ra kế hoạch tăng số lượng lính thủy đánh bộ từ 20.000 lên 100.000 người, vào thời điểm Bắc Kinh loại 300.000 người khỏi quân đội, theo SCMP dẫn lại thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.