Bài học nào cho tuyển Việt Nam sau AFF Cup 2020?

29/12/2021 16:56 GMT+7

Tuyển Việt Nam đã không thể đi đến cuối hành trình AFF Cup 2020. Ngoài những nguyên nhân khách quan, thầy trò ông Park cần rút ra những bài học gì?

Đội Thái Lan, đối thủ đã loại tuyển Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2020, sở hữu đội hình cực mạnh. So với năm 2018, họ chào đón sự trở lại của 3 trụ cột. Đó là Teerasil Dangda, kỷ lục gia ghi bàn trong lịch sử AFF Cup. Đó là Theerathon Bunmathan, hậu vệ trái hàng đầu Đông Nam Á và tiệm cận trình độ châu Á. Và đó là Chanathip Songkrasin, ngôi sao số 1 của bóng đá khu vực đang chơi cho Consadole Sapporo (Nhật Bản).

Bóng đá Việt Nam đang bị kiểm tỏa bởi các đối thủ của khu vực

AFP

Còn tuyển Việt Nam, so với 3 năm trước, đã bị yếu đi đáng kể ở mặt trận phòng ngự. Nếu như sự thiếu vắng Hùng Dũng và Văn Lâm được bù đắp bởi những nhân tố có chất lượng rất tốt như Hoàng Đức, Nguyên Mạnh thì hai biên thật sự là vấn đề lớn với đội tuyển Việt Nam. Hồng Duy và Văn Thanh không thể so sánh được với trình độ của Trọng Hoàng và Văn Hậu.

Một yếu tố khách quan khác nữa là sự hụt hơi rõ rệt về mặt thể lực. Do phải căng mình thi đấu ở cả vòng loại thứ 3 World Cup 2022 trước những đối thủ quá mạnh, hầu hết các trụ cột của đội Việt Nam đã bị đuối sức. Chúng ta đã không thể đảm bảo và duy trì cường độ cao trong suốt 90 phút thi đấu. Minh chứng rõ ràng nhất là việc chúng ta chỉ ghi được đúng 1 bàn trong khoảng thời gian 15 phút cuối trận, khoảng thời gian từng được xem là vàng dưới thời HLV Park Hang-seo.

Thẳng thắn nhìn lại để trưởng thành

Văn Hậu bị chấn thương, Trọng Hoàng bị thoát vị đĩa đệm. Cũng có thể tuyển Việt Nam bị yếu đi vì không tìm được phương án thay thế thực sự xứng đáng. Nhưng trên thực tế, tuyển Việt Nam vẫn có nhân tố khác có thể đảm đương được vị trí bị khuyết nhưng chưa được trọng dụng đúng mức. Ông Park nên tính toán lại việc làm mới đội tuyển và trao cơ hội nhiều hơn cho những gương mặt ít có dịp được thể hiện bản thân.

Tấn Tài cần được trọng dụng nhiều hơn

AFP

Tấn Tài chơi rất hay ở bán kết với Thái Lan là một minh chứng cho thấy ông Park nên mạnh dạn hơn trong bố trí lực lượng. Một trong những lý do khiến đội tuyển Việt Nam xuống sức nhanh ở 15 phút cuối trận, không thể duy trì được sức ép liên tục, cũng bởi đội hình chính bị bào mòn thể lực. Ông Park chỉ dùng đúng 21 trong tổng số 30 cầu thủ. Những quân bài chủ lực như Quang Hải, Hoàng Đức, Ngọc Hải…liên tục phải thi đấu trận này qua trận khác.

Tiến Dũng bị quá tải

VFF

Cũng từ cách sử dụng lực lượng có phần an toàn này, các cầu thủ U.23 Việt Nam hiếm khi được trao cơ hội vào sân. Văn Xuân là cái tên duy nhất được sử dụng (từ băng ghế dự bị) và quãng thời gian mà hậu vệ này thi đấu cũng chỉ là 10 phút cuối trận gặp Thái Lan. Các cầu thủ trẻ ít được cọ xát, trong khi SEA Games 31 năm 2021 đang đến rất gần, là điều thật sự lo ngại.

Vấn đề ở hàng công và khai thác các tình huống cố định cũng chính là điều mà đội tuyển Việt Nam cần phải sửa gấp sau thất bại ở AFF Cup 2020. Cả giải đấu, Việt Nam chỉ ghi được 9 bàn thắng. Nhưng chúng ta phải mất hơn 109 lần dứt điểm để chuyển hoá thành con số kể trên. Nghĩa là trung bình sau hơn 12 lần dứt điểm, Việt Nam mới ghi được 1 bàn thắng. Chúng ta được hưởng tới 33 quả phạt góc nhưng chưa một lần ghi được bàn thắng.

Cần một sự đổi mới

Không phủ nhận bộ khung chính của đội tuyển Việt Nam hiện vẫn rất chất lượng. Thế hệ Quang Hải, Tuấn Anh, Xuân Trường… mới chỉ 24 - 27 tuổi. Việc xuất hiện ở những giải đấu quan trọng ở cấp độ đội tuyển quốc gia trong 2 - 3 năm tới là điều hiển nhiên. Thế nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn cần những luồng gió mới để tránh đối phương bắt bài như ở AFF Cup 2020.

Việc triển khai tấn công, gây sức ép liên tục trước Malaysia, Indonesia, Thái Lan (bán kết lượt về AFF Cup 2020) có thể là một gợi ý, để chúng ta sẵn sàng tạo ra một hình ảnh mới, thoát khỏi cách chơi thực dụng như 4 năm mà chúng ta đã trải qua, với cả thành công lẫn thất bại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.