“Thể thao VN đã không thu hoạch được những kết quả làm hài lòng người hâm mộ qua Olympic London. Theo tôi đó là do chúng ta thiếu một chính sách quốc gia hợp lý trong việc tập trung đầu tư cho các môn thể thao mũi nhọn ở Olympic, đồng thời cũng thiếu luôn cả việc xây dựng một lộ trình phù hợp để nâng tầm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho VĐV đỉnh cao đủ sức tranh đua với thế giới tại London vừa qua.
Những bài học từ London cho thấy, thể thao VN cần phải được làm lại và làm lại một cách quyết liệt. Theo tôi có 5 điểm mà những người làm thể thao cần phải chú ý để khi bước ra sân chơi lớn, chúng ta phải tạo được cho mình vị thế.
Trước hết đã đến lúc phải rà soát lại toàn bộ khâu phát hiện, đào tạo VĐV ban đầu. Cần tổ chức và xây dựng lại nền thể thao học đường vì dứt khoát đó là vườn ươm của tài năng. Thời gian vừa qua, chúng ta đã không coi trọng thể thao học đường, cứ đổ lỗi do thiếu cơ sở vật chất, thiếu thầy giỏi. Nhưng thực tế do chúng ta không chịu làm hay nói đúng hơn là thiếu chiến lược trong việc xây dựng lại cho mình cái nền vững chắc.
Thứ hai là phải hình thành thêm nhiều trung tâm đào tạo. Khi đã có những năng khiếu ló dạng thì những tài năng này cần được mài giũa một cách kỹ càng bằng việc tập trung đào tạo để sớm hình thành tố chất và ý chí, tinh thần vượt khó, sự nhẫn nại trong tập luyện cũng như thi đấu. Những trung tâm đào tạo như vậy sẽ góp phần tạo nên một đội ngũ VĐV có chất lượng, có tính kế thừa.
Thứ ba là phải có định hướng đúng bằng việc đầu tư quyết liệt cho các VĐV thuộc nhóm thể thao cơ bản và nhóm thể thao có tính truyền thống đủ sức tranh đua huy chương trong khu vực và trên thế giới. Muốn vậy phải xác định đâu là trọng điểm, đâu là kế hoạch ngắn hạn và dài hạn, đâu là những tài năng phải được chăm sóc đặc biệt, chứ không phải dàn trải ai cũng như ai.
Thứ tư là phải dựa vào cách làm của những quốc gia tiên tiến trên thế giới khi chúng ta chưa có điều kiện. Chỉ có vậy thể thao VN mới hình thành nên phương pháp huấn luyện khoa học, bài bản, có chiều sâu. Một số đội tuyển của chúng ta thời gian qua cũng có chú ý đến cách làm dựa vào phương pháp huấn luyện của các cường quốc, ví dụ taekwondo học Hàn Quốc, cử tạ học Bulgaria… Nhưng đa phần chỉ là “chữa cháy” khi thời gian cận kề Olympic, đôi lúc mang tính đối phó nhiều hơn là đầu tư thực chất để nâng tầm công tác đào tạo.
Và cuối cùng cần phải có những chế độ đãi ngộ xứng đáng, phải bồi dưỡng và tạo điều kiện tốt hơn cho những người thầy để họ tâm huyết với công việc của mình, phải xây dựng được một đội ngũ HLV có trình độ chuyên biệt cấp quốc gia và quốc tế để tập trung đào tạo chuyên sâu chứ không thể làm theo kiểu “cơ cấu” HLV, như vừa rồi ở một số môn bơi lội, điền kinh… cứ “ăn theo” VĐV thì không thể nào tạo nên lực lượng mạnh mẽ đủ sức tranh chấp thành tích tại Olympic”.
Ông Trần Văn Mui (Nguyên Ủy viên Ủy ban Olympic VN từ 1995-2007)
Q.T (ghi)
Bình luận (0)