GIAO HỮU GIỜ ĐÃ KHÁC
Lần gần nhất đội tuyển VN tham gia giải giao hữu quốc tế là vào tháng 9.2022. Đội tuyển khi ấy được huấn luyện bởi ông Park Hang-seo đã thắng cả Singapore (4-0) và Ấn Độ (3-0) để đăng quang trên sân Thống Nhất (TP.HCM). Không hề quá lời khi nói thầy trò HLV Park đã "đi dạo" đến ngôi vương khi thắng cả hai trận tương đối dễ dàng.
Tính từ năm 2022 trở về trước, đội tuyển VN thường đá giao hữu với những đối thủ ngang bằng, hoặc thấp hơn đôi chút về trình độ, đứng loanh quanh tốp 100, như Ấn Độ, Palestine, Singapore, Malaysia hay Indonesia. Những đối thủ "nặng ký" nhất mà đội tuyển VN so tài trong giai đoạn này có lẽ chỉ kể được tới Syria, Curacao, Jordan hay Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ nửa sau năm 2023, khi HLV Philippe Troussier nắm quyền, chiến lược giao hữu của đội tuyển VN đã thay đổi khi đẳng cấp đối thủ được nâng tầm. Trong loạt trận FIFA Days tháng 10.2023, bên cạnh Trung Quốc, Nguyễn Tiến Linh cùng đồng đội đã "thử lửa" liền mạch với Hàn Quốc và Uzbekistan.
Thực ra trước đây đội tuyển VN chẳng phải chưa từng gặp đội mạnh, nhưng những trận giao hữu thực sự chất lượng chỉ diễn ra rải rác, lâu lâu mới có. Còn hiện tại, đội tuyển VN gặp đối thủ mạnh với tần suất dày đặc. Dù nguy cơ thua (đồng nghĩa bị trừ điểm trên bảng xếp hạng FIFA) cao hơn, nhưng qua những trận đấu khó, các cầu thủ sẽ có thêm nhiều bài học. Để vươn ra châu Á, đội tuyển VN không chỉ cần chiến thắng, mà còn dám đương đầu với thất bại, không né tránh khó khăn.
Nhìn trên góc độ này, hai trận giao hữu gặp các đội Nga (5.9) và Thái Lan (10.9) sẽ vô cùng giá trị với thầy trò HLV Kim Sang-sik. Màn so tài với Thái Lan giúp hai đội làm nóng và thăm dò nhau trước thềm AFF Cup, còn trận đấu với đội hơn 82 bậc trên bảng điểm FIFA như Nga là cơ hội "bằng vàng" để có thể vỡ ra nhiều điều. Bóng đá VN sẽ hiểu được từ cách tổ chức lối chơi, kỹ - chiến thuật, cho đến tâm lý thi đấu của một đội tuyển đẳng cấp World Cup ưu việt như thế nào.
AFF Cup 2024: Phép thử thực sự cho HLV Kim Sang-sik
CHỜ BẢN LĨNH THẦY KIM
Tất nhiên, giao hữu với đội tuyển mạnh chỉ là điều kiện cần để tiến bộ. Đội Indonesia từng đọ sức với Argentina, nhưng không đồng nghĩa thầy trò HLV Shin Tae-yong có thể lập tức "vượt vũ môn". Hay Thái Lan cũng từng đá giao hữu với Georgia, Slovakia cũng vậy. Điều quan trọng là ở những trận đấu chênh lệch ấy, các đội học được những gì. Tâm thế cởi mở để lĩnh hội, tinh thần cầu tiến và khát khao học hỏi mới là chìa khóa để các đội khai thác tối đa giá trị của một trận giao hữu. Nếu đội tuyển VN không có tâm thế này, có đá giao hữu với Pháp cũng… vô nghĩa.
Những trận đấu khó cũng là "thuốc thử" về khả năng cầm quân của HLV Kim Sang-sik. Ông đã triệu tập lực lượng gần tương đồng so với thời của những nhà cầm quân tiền nhiệm như Troussier hay Park Hang-seo, xuất phát từ việc bóng đá VN thời gian qua chưa thể trình làng nhiều gương mặt mới. Dù vậy, dùng lại lực lượng của những HLV tiền nhiệm cũng là cái hay. Với "bình cũ", nếu HLV Kim Sang-sik có thể điều chế "rượu mới", với lối chơi và tinh thần khác biệt, đấy chẳng phải là cách tốt nhất để chiến lược gia người Hàn Quốc thể hiện năng lực hay sao?
Gặp đội mạnh như Nga, xác suất thua của đội tuyển VN không nhỏ. Tuy nhiên, nói như HLV Jurgen Klopp với các học trò ở CLB Liverpool trước thềm bán kết lượt về Champions League với Barcelona thì: ngay cả khi thất bại, đó cũng phải là thất bại thật đẹp (sau đó Liverpool thắng 4-0 để lội ngược dòng vào chung kết). Bóng đá không thuần túy chỉ có thắng - thua, mà ngay cả trong thất bại, đội thua cũng có thể chứng minh nhiều điều.
HLV Kim Sang-sik đã khởi đầu triều đại của mình ở đội tuyển VN bằng 2 trận đấu, chỉ với vài ngày tập luyện. Và bây giờ cựu HLV của CLB Jeonbuk Hyundai Motors cũng chỉ có vài ngày để tập hợp đội hình, huấn luyện và lên đấu pháp cho những trận đấu chông gai. HLV Kim Sang-sik sẽ gặp khó, nhưng cũng sẽ là cơ hội rõ ràng để ông cho thấy mình là người phù hợp với nhiệm vụ vực dậy đội tuyển VN.
Bình luận (0)