Sáng nay, thí sinh TP.HCM hoàn thành bài thi môn ngữ văn tuyển sinh lớp 10. Đề thi được đánh giá là thú vị khi đề cập tới những vấn đề gần gũi với người trẻ như thách thức bản thân để thay đổi, tình cảm gia đình…
|
Rất bất ngờ, một trích đoạn trong bài viết trên trang Thanh niên và cuộc sống của Báo Thanh Niên xuất hiện trong đề thi ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM. Cụ thể, trích đoạn trong bài viết Người trẻ thách thức bản thân để thay đổi của tác giả Vũ Thơ, đăng trên Thanh Niên ngày 18.4.2019 đã được lựa chọn, từ đó đặt ra các vấn đề cho các thí sinh.
“Gần đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các bức ảnh về việc làm tình nguyện của giới trẻ được chụp trước và sau khi hoàn thành các hoạt động tình nguyện như: xóa "điểm đen" về rác, sơn vẽ nhà mẫu giáo, tu sửa nhà tình thương, xây nhà cho người nghèo, vẽ tranh bích họa biến bãi rác thành vườn hoa, kêu gọi không sử dụng đồ nhựa...
Đây là những bức ảnh tham gia cuộc thi “Thách thức để thay đổi” (cuộc thi do T.Ư Đoàn và Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp tổ chức) nhằm lan tỏa thông điệp: giới trẻ thử thách bản thân để thay đổi, hướng tới nâng cao nhận thức cộng đồng cùng chung tay vào các hoạt động tình nguyện để thử thách bản thân trước những thách thức của cuộc sống nhằm thay đổi chính mình và thay đổi cuộc đời của nhiều người…”.
Từ trích đoạn này, ngoài 3 câu hỏi về ngữ pháp, kiểm tra khả năng đọc hiểu của thí sinh, đề thi cũng đặt ra vấn đề cần thí sinh nêu chính kiến: “Theo em có phải lúc nào việc thách thức bản thân cũng giúp chúng ta thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn?”.
|
Thí sinh Thu Trang, học sinh Trường THCS Sương Nguyệt Anh, Q.8 bày tỏ: “Em không ủng hộ người trẻ lúc nào cũng phải thách thức bản thân. Sẽ chia làm hai trường hợp, một là thách thức bản thân nhưng vào những trào lưu tốt, những mục đích ý nghĩa, tốt đẹp thì sẽ khiến bản thân mình phát triển tích cực. Ngược lại, nếu chỉ thách thức bản thân theo những trào lưu trôi nổi trên mạng như rạch tay, đi xe gắn máy bốc đầu hay là đua xe lạng lách chẳng hạn, không thể nào khiến mình tốt hơn”.
Thí sinh Phương Nhi, học sinh Trường THCS Sương Nguyệt Anh, cho rằng cá nhân rất thích đề thi văn này. “Không chỉ câu nghị luận xã hội, mà câu về thách thức bản thân để thay đổi hay câu nghị luận văn học cũng cho học sinh cách kết nối, liên hệ với đời sống thực tiễn. Ví dụ, từ câu chuyện tình cảm cha con trong Chiếc lược ngà, người trẻ phải liên hệ với cuộc sống để thấy được sức mạnh của tình cảm gia đình. Em tin chắc ai cũng sẽ có rất nhiều điều muốn chia sẻ về gia đình của mình trong phần liên hệ thú vị này”, Nhi nói.
Bình luận (0)