MẤT ĂN, MẤT NGỦ VÌ MÙI HÔI
Sống cách Khu liên hợp xử lý chất thải (KLHXLCT) Nghi Yên gần 1 km, 23 hộ dân sống cạnh QL1A (xóm 2, xã Nghi Yên) liên tục kêu ca từ nhiều tháng qua vì ô nhiễm. Ông Lưu Long Châu, một người dân sống ở đây, cho biết bãi rác này đưa vào sử dụng từ năm 2012. Những năm đầu, do lượng rác thải chưa nhiều nên tình trạng ô nhiễm còn đỡ, tuy nhiên 3 năm trở lại đây, người dân bức xúc vì mùi hôi của rác và nước bẩn chảy xuống kênh Nhà Lê ngay phía sau khu dân cư. "Cứ đêm là mùi hôi ập đến, đóng cửa cũng không ngủ được. Ban ngày thì ruồi đầy nhà. Cái chợ ở sau nhà tôi 2 ngày họp một phiên, trước đây rất đông người nhưng bây giờ ruồi quá nhiều và mùi hôi nên chợ cứ vắng dần. Sau mỗi trận mưa lớn kéo dài, nước thải từ bãi rác theo khe chảy thẳng xuống kênh Nhà Lê, đen ngòm", ông Châu nói.
Người dân ở đây chủ yếu dùng nước giếng đào lấy nước từ kênh Nhà Lê để sử dụng, nhưng do nguồn nước bị ô nhiễm nên nhiều thời điểm họ không dám sử dụng để tắm rửa. Nước dùng để uống và nấu ăn phải hứng nước mưa, hết nước mưa thì phải mua nước lọc.
23 hộ dân này mua đất của UBND H.Nghi Lộc bán chỉ định giá từ hơn 20 năm trước. Vợ chồng ông Châu mua đất, làm nhà từ năm 1998, ngay trước chợ Nghi Yên. "Hồi đó cán bộ huyện nói khu này sẽ được quy hoạch thành thị tứ. Thấy có cái chợ nên chúng tôi mới mua chứ giá đất cũng rất cao, mảnh đất 150 m2, chỉ có 50 m2 đất được cấp bìa đỏ vì nằm trong chỉ giới quy hoạch QL1A nhưng giá ngang bằng 1.000 m2 đất ở trong xóm", ông Châu kể.
Trong đợt mưa vào cuối tháng 10 vừa qua, người dân phát hiện dòng nước bẩn chảy từ Khu liên hợp xử lý rác thải Nghi Yên xuống kênh Nhà Lê gây mùi hôi khó chịu nên đã thông báo cho chính quyền xã đến ghi nhận sự việc.
Trao đổi với PV, một vị lãnh đạo KLHXLCT Nghi Yên thừa nhận dòng nước có màu đen xuất phát từ bên trong bãi rác. Tuy nhiên, vị này cho rằng nguồn nước đó là từ khu vực lò đốt của một doanh nghiệp đốt rác nằm trong bãi rác, đã ngừng hoạt động từ 3 năm qua. Sau khi nhận được phản ánh, đơn vị này đã cho người đắp đất, ngăn dòng nước thải tràn ra bên ngoài.
Ông Trần Công Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Nghi Yên, cho biết bức xúc vì ô nhiễm nên người dân ở đây đã nhiều lần chặn xe chở rác vào bãi rác. Mỗi lần dân chặn xe, lãnh đạo xã phải đến vận động người dân, rất vất vả. Không chỉ người dân sống gần bãi rác này phản ánh tình trạng ô nhiễm, theo lời ông Hòa, ở trụ ở UBND xã cách đó khoảng 2 km nhiều lúc vẫn ngửi thấy mùi hôi.
MONG ĐƯỢC DI DỜI
KLHXLCT Nghi Yên được xây dựng trên diện tích 53 ha. Trước khi xây dựng, người dân sống gần bãi rác này được cơ quan chức năng giới thiệu rác thải được xử lý theo công nghệ hiện đại nhất, nước thải từ bãi rác "sạch như nước lọc, có thể uống được". Năm 2012, dự án hoàn thành, được UBND tỉnh Nghệ An giao cho Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Nghệ An quản lý, vận hành. Thế nhưng, thực tế sau đó thì ngược lại. Sau khi bãi rác hoạt động, gần 40 hộ dân sống gần đó đã được di dời đến nơi khác. Ông Trần Công Hòa cho biết mới đây, UBND tỉnh Nghệ An có chủ trương cho di dời 23 hộ dân còn lại ở xóm 2. Tuy nhiên, xã cũng chưa biết đến khi nào mới thực hiện được việc di dời vì còn phụ thuộc vào kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng và xây khu tái định cư.
Ông Phạm Văn Toàn, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Nghệ An, cho biết khu xử lý rác này chủ yếu dùng công nghệ chôn lấp nên nước bị rò rỉ, gây mùi hôi, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong tổng số 8 ô chôn lấp, hiện 5 ô đã đầy rác nên thời gian tới phải tìm nhà đầu tư để xử lý rác bằng công nghệ khác, không tiếp tục xử lý bằng chôn lấp.
Năm 2019, UBND tỉnh Nghệ An đã xử phạt Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Nghệ An hơn 760 triệu đồng vì xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường. Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra khu xử lý chất thải này sau khi người dân có đơn kêu ca, phản ánh.
Bình luận (0)