Sáng tác trong 3 ngày
Phạm Nguyễn Đức Đạt (học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Tăng, Q.9, TP.HCM) và Trần Minh Đăng (ngụ H.Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) bất ngờ khi bài rap của mình về tác phẩm Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) thu hút nhiều lượt xem, chia sẻ sau 2 ngày được đăng tải trên trang mạng xã hội.
“Chúng em thật sự không ngăn nổi niềm vui và phấn khích khi nhìn thấy tác phẩm tâm huyết được đông đảo các bạn đón nhận”, Đăng nói.
Đức Đạt (trái) và Minh Đăng, chủ nhân của bài rap tác phẩm văn học thu hút hàng triệu lượt xem |
NVCC |
Dù hai nam sinh lớp 12 sống cách nhau hàng trăm km nhưng Đăng cho biết cơ duyên để cả hai quen biết, làm bạn và quyết định hợp tác là nhờ chung niềm đam mê với rap. Trước đó, Đạt và Đăng từng tự thực hiện nhiều bài rap khác nhau nên có nhiều kinh nghiệm trong cách viết lời.
“Thời gian trước, chúng em dự định làm chung một bài rap về chủ đề tình yêu nhưng không thành công. Đến cuối tháng 6, em liên lạc lại với Đạt ngỏ lời hợp tác và sau 3 ngày cùng thực hiện, bài rap về tác phẩm văn học đã ra đời”, chàng trai quê Bạc Liêu kể về quá trình thực hiện.
Dù bài rap về tác phẩm văn học không mới nhưng vẫn thu hút người xem nhờ vào phần lời ý nghĩa và video minh họa bắt mắt, kết hợp với phần "beat" sôi động của nhóm nhạc nam nổi tiếng BTS. “Em rất thích bài hát và từng rap trên 'beat' này cách đây ba năm trước”, Đăng giải thích.
Video nhạc rap Người lái đò sông Đà |
Chia sẻ thêm lý do chọn áng văn Người lái đò sông Đà trong các tác phẩm thi tốt nghiệp THPT, Đạt cho biết vì cả hai bạn được truyền cảm hứng bởi cuộc chiến dữ dội, cháy bỏng giữa con người với thiên nhiên, vốn có nét tương đồng với tình hình chống dịch vừa qua và “tinh thần này cũng rất hợp với ‘con beat’ chúng em lựa chọn”.
Kết hợp bài giảng với cách hiểu của bản thân
Để cô đọng bài văn nhiều trang giấy thành bài nhạc chỉ dài chưa đến 3 phút, theo Đức Đạt, cả hai chỉ chọn tóm tắt, không miêu tả toàn bộ diễn biến. “Ngoài tìm cảm hứng từ sách giáo khoa, chúng em còn tham khảo bài giảng của thầy cô và tư liệu bên ngoài. Quan trọng là phải hiểu rõ tinh thần tác phẩm, kết hợp thêm chất liệu và cách hiểu của bản thân vào câu rap để tạo điểm nhấn”, Đạt khẳng định.
Chia sẻ về đoạn rap tâm đắc, Đạt bật mí đó là câu: “Mang chất vàng mười, dân Nam cực chiến/Mười dân như một, sức một bằng mười tay”. Em muốn chỉ chung người dân Việt Nam đều mạnh mẽ và kiên cường, không riêng gì “người lái đò” ở sông Đà Tây Bắc”.
Trong khi đó, Đăng yêu thích câu ví von hình tượng sông Đà vừa trữ tình vừa hung bạo giống như tính cách của một người con gái “sớm nắng chiều mưa”: “Trong tác phẩm sông Đà như con gái/Lúc tình lúc bạo mà bạo hoá thủy quái”.
Học sinh, giáo viên nghĩ gì?
Đạt giải nhì học sinh giỏi văn năm 2022, Ngô Gia Khánh (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM), cho hay những bài rap văn học thường tóm tắt bao quát nội dung của tác phẩm. “Sau khi nghe âm nhạc bắt tai và câu rap có vần điệu, học sinh phần nào hình dung được những ý chính văn bản muốn truyền tải, giúp tìm hiểu ‘cấp tốc’ và tiết kiệm thời gian đọc đi đọc lại nhiều lần”, nữ sinh nhận xét.
Đức Đạt (giữa) cùng gia đình trong lễ tri ân và trưởng thành |
NVCC |
Theo Gia Khánh, khi bị bão hoà bởi lượng kiến thức dày đặc, học sinh có thể tận dụng thời gian nghe rap văn như một cách ôn bài thụ động. “Nhưng với mục tiêu ‘dễ nhớ, dễ hiểu’, không phải câu rap nào cũng trau chuốt và ‘chuẩn’, dễ ảnh hưởng đến giọng văn, từ ngữ sử dụng khi thi. Bài rap cũng không có nhiều góc nhìn, nhận xét mới để đào sâu, bổ trợ kiến thức sẵn có”, Khánh phân tích mặt hạn chế của hình thức này.
Từng cho học sinh nghe bài rap Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) từ năm 2007, thạc sĩ Đặng Thị Kiều Oanh (giáo viên ngữ văn Trường Quốc tế Quy Nhơn và một trường THPT tại Quy Nhơn) cho rằng tác phẩm sẽ gần gũi hơn với học sinh nhờ những bài rap như vậy. “Phải hiểu trước rồi mới cảm được tác phẩm nên nếu có bất cứ video nào minh họa tốt cho việc giảng dạy phần văn bản, tôi đều dùng”, cô Oanh nói.
Thạc sĩ Oanh cho hay: “Âm nhạc có tác động mạnh mẽ đối với cảm xúc của con người. Thực tế từ xa xưa trong nền âm nhạc dân tộc, thơ với nhạc đã có mối giao duyên đặc biệt. Bằng chứng là nhiều bài hát ru, câu hò, điệu lý, quan họ,... đã được chuyển thể từ những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Hiện nay, một số bài thơ đã được hát rap như Bình Ngô đại cáo, Đồng chí, Tây Tiến, kể cả văn xuôi như Người lái đò Sông Đà”.
Những câu rap mang tính sáng tạo cá nhân của hai nam sinh |
NVCC |
Theo cô giáo có hơn 17 năm kinh nghiệm đứng lớp, hát rap tác phẩm văn xuôi là việc không phải ai cũng làm được. “Vậy nên dễ hiểu khi càng ngày càng có nhiều học sinh tìm đến rap để tiếp cận tác phẩm dễ dàng hơn. Không thể phủ nhận sự thích thú của các cô cậu học trò với trải nghiệm mới này”, cô Oanh nhận định.
Tuy nhiên, thạc sĩ Oanh cho biết đó chỉ là điều kiện cần khi học văn. Điều kiện đủ để đảm bảo hiệu quả là sau khi hiểu văn bản rồi, học sinh phải có kỹ năng phân tích tác phẩm. “Nếu không, những bài rap Gen Z kia mãi chỉ là giai điệu và ca từ của một bài hát, vì kỳ thi yêu cầu phải bình sâu một đoạn trích theo đúng bố cục bài văn nghị luận”, nữ giáo viên nhắc nhở.
Bình luận (0)