Bài tập về nhà: Áp lực từ nhà trường hay gia đình?

05/01/2023 07:05 GMT+7

Học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày ở TP.HCM không có bài tập về nhà, hoặc thi thoảng cô dặn dò các em xem trước bài mới, xem lại bài đã học.

Trong thực tế, nhiều phụ huynh vẫn cho con đi học thêm, không ít người than vãn “sao con học nặng thế, học hoài nên không có thời gian tập thể dục thể thao”.

Chị Bùi Phương Mai, có con học lớp 1, học 2 buổi/ngày tại Trường tiểu học Kỳ Đồng (Q.3), cho biết: “Thời gian đầu thi thoảng còn có một số phiếu bài tập mang về, nhưng rất ít, còn về sau ngày nào cũng không thấy bài tập gì. Cô giáo có phương pháp giảng dạy nên bé đều nhớ hết bài. Tôi không cho con học thêm ở đâu. Buổi chiều, tối con được chơi, xem truyện. Tới nay, hết kỳ 1 con đã tự đọc vanh vách được hết cuốn truyện thiếu nhi nhỏ”.

Bài tập về nhà: Áp lực từ nhà trường hay gia đình? - Ảnh 1.

Trẻ em cần có nhiều thời gian đọc sách, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa

THÚY HẰNG

Trong khi đó, chị Bùi Thị Cẩm Tiên, có con học lớp 2 (2 buổi/ngày) tại Trường tiểu học Bùi Văn Ngữ (H.Hóc Môn), cho hay chị không cho con đi học thêm ở đâu. Mỗi buổi tối con trai chị dành khoảng 15 - 30 phút để hoàn thành 2 yêu cầu trong vở dặn dò. Các yêu cầu này thường là xem lại bài đã học, xem trước bài mới; nghe - viết, ba mẹ đọc một đoạn ngắn trong sách giáo khoa để con viết lại; hoặc đọc - viết, bé tự nhìn trong sách giáo khoa và viết vào vở.

“Thi thoảng bé được dặn dò viết vài dòng chữ in. Tôi thấy phần dặn dò như vậy, với thời gian để hoàn thành như trên là hợp lý với học sinh tiểu học. Các bé cần được rèn kỹ năng tự học, cũng như ôn lại bài, có tinh thần trách nhiệm với việc học của mình”, chị Cẩm Tiên cho hay.

Ở một góc độ khác, nhiều phụ huynh thấy rằng không có bài tập về nhà thì lại “quá nhẹ”, không “đủ đô”, nên cho con đi học thêm để cô giáo kiếm thêm bài tập cho con làm.

Chị K.A, phụ huynh có con học lớp 1, học 2 buổi/ngày tại Trường tiểu học Hàm Tử (Q.5), cho biết con đã hoàn thành hết bài tập ở lớp nhưng từ thứ hai tới thứ sáu, từ 17 giờ 30 - 18 giờ 30, chở tới nhà một cô giáo nghỉ hưu ở gần nhà để học thêm toán, tiếng Việt. Còn anh M.T, phụ huynh có con học lớp 5 Trường tiểu học Âu Dương Lân (Q.8), thì thắc mắc với PV Thanh Niên: “Mấy năm trước còn thấy bé có bài tập về nhà, sao năm lớp 5 này lại không thấy? Thi thoảng mới có một số bài, mà làm cũng 15 - 20 phút là xong à”. Mỗi tuần, anh cho bé học thêm toán và tiếng Việt 2 buổi tối, và 1 buổi tối học thêm Anh văn ở trung tâm.

Bài tập về nhà: Áp lực từ nhà trường hay gia đình? - Ảnh 2.

Nhiều học sinh tiểu học vẫn đến các lớp học thêm sau giờ học

nguyễn loan

Từ đầu năm 2020, Bộ GD-ĐT chỉ đạo không giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày. Trước đó, tại Chỉ thị 5105/CT-BGDĐT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu Giám đốc các sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các trường tiểu học ở địa phương không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày.

Giai đoạn ôn tập, kiểm tra cuối kỳ 1, Sở GD-ĐT TP.HCM ra văn bản yêu cầu các trường không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày.

Song, hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.12 thừa nhận có những phụ huynh nôn nóng với việc học của con, thấy con không có bài tập về nhà cũng lo lắng rồi lên mạng hỏi nhau, tìm thêm bài tập, đề cương cho con làm, cho con đi học thêm vì sợ con không bằng bạn bè. Đứa trẻ bị nhồi nhét học quá nhiều, sinh ra mệt mỏi, không tập trung thì lại kêu con học sao nặng quá.

Anh T.T.H, phụ huynh có 3 con học tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1), cho biết cả 3 con đều không có bài tập về nhà, các bé đều hoàn thành hết bài tập ở lớp, không mang tập vở gì về nhà. Theo anh, nhiều phụ huynh đang tự gây áp lực với chính mình về điểm số, thứ hạng của con nên đôi khi sốt ruột cho con học thêm lý thuyết quá nhiều mà quên đi việc cho con trải nghiệm thực tế, học kỹ năng sống, hoạt động giáo dục thể chất - những môn thật sự giúp các con khỏe mạnh hơn cả về thể chất và tinh thần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.