Bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, hiểu sao cho đúng ?

26/12/2022 06:05 GMT+7

Giai đoạn ôn tập, kiểm tra cuối kỳ 1 , Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Thông tin này vì sao được phụ huynh quan tâm dù lâu nay Bộ GD-ĐT đã có quy định này?

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhấn mạnh yêu cầu nhà trường tuyệt đối không chạy theo thành tích mà gây áp lực, tạo không khí căng thẳng, nặng nề cho giáo viên (GV), học sinh (HS) và gia đình các em. Việc tổ chức ôn tập phải được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với HS học 2 buổi/ngày. Không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc HS làm, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu. Ngoài ra, GV cần hướng dẫn HS cách tự học, ôn tập…

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết theo công văn trên thì quy định không giao bài tập về nhà đối với HS học 2 buổi/ngày là trong thời điểm ôn tập chuẩn bị kiểm tra đánh giá cuối kỳ. Song, xuyên suốt năm học, với HS tiểu học học 2 buổi/ngày thì việc giao bài tập về nhà cho các em cũng cần rất hạn chế.

Thực tế hiện nay việc làm bài tập về nhà của HS tiểu học ở các trường như thế nào?

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu không giao bài tập về nhà đối với HS học 2 buổi/ngày trong thời điểm ôn tập chuẩn bị kiểm tra đánh giá cuối kỳ

NGUYỄN LOAN

Nơi không có, nơi “lớp 1 cũng có bài tập về nhà”

Một tối, chị N.A, phụ huynh có con học lớp 1 Trường tiểu học Hàm Tử, Q.5, TP.HCM, hỏi con sao không làm bài tập về nhà mà chỉ vẽ tranh. Nghe bé trả lời “con đã làm hết ở trên lớp rồi”, chị N.A mở tập ra kiểm tra thì thấy đúng là con đã hoàn thành. Dù vậy chị vẫn sốt ruột, mỗi tuần dành ra 2 buổi tối để đưa con tới một cô giáo nghỉ hưu gần nhà rèn thêm chữ và làm thêm bài tập toán với tâm lý “vậy cho chắc”.

Trong khi đó, ở một thái cực khác, chị T.M, phụ huynh của một HS lớp 1 trường tư tại TP.HCM, cho biết bé nhà chị đọc tiếng Việt chậm hơn các bạn trong lớp nên thường xuyên nhận được tin nhắn của GV hối thúc mẹ phải ôn thêm cho bé và tối thì tập viết, tập đọc.

“Bé học từ 8 giờ sáng tới 16 giờ. Sau đó, 5 buổi chiều trong tuần thì học câu lạc bộ ở trường (thể thao và ôn thêm toán, tiếng Việt, tiếng Anh). Nhiều khi tôi “lơ” lời nhắc của cô để con đỡ học vất vả buổi tối thì cô nói là tôi không kèm cặp bé hay cả lớp không thể chờ một mình con tôi được. Quan điểm của tôi là dù bé học chậm hơn, điểm kém thì tôi sẵn sàng cho bé học thêm 1 năm nếu cần, nhưng cô lại nói “vậy thì kiểm tra sẽ bị điểm kém”, chị T.M kể với PV.

Bài tập về nhà cũng có thể là các hoạt động ngoài trường học

ngọc dương

Đột xuất xem vở dặn dò của học sinh

Đó là cách mà Ban giám hiệu Trường tiểu học Võ Thị Thừa, Q.12, TP.HCM thực hiện những ngày qua, xem các GV có giao bài tập về nhà, đề cương ôn tập cho HS hay không. Cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết các lớp đều tuân thủ đúng theo hướng dẫn, chỉ đạo của Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT quận trong giai đoạn ôn tập kiểm tra định kỳ là không giao bài tập về nhà với HS 2 buổi/ngày, không đề cương, bài mẫu…

Bộ GD-ĐT chỉ đạo không giao bài tập về nhà cho HS lớp 1 học 2 buổi/ngày

Ngày 5.1.2020, tại Công văn 3977/BGDĐT-GDTH, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp HS hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho HS.

Trước đó, ngày 3.11.2014, tại Chỉ thị 5105/CT-BGDĐT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu giám đốc các sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các trường tiểu học ở địa phương một số nội dung. Trong đó có: “Đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày: Hướng dẫn HS hoàn thành nội dung học tại lớp; Nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho HS. Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày: Chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của HS học 2 buổi/ngày; Không giao bài tập ngoài sách giáo khoa”.

Theo cô Tuyền, trường có 19 lớp học 2 buổi/ngày và 11 lớp học 1 buổi/ngày. Với HS học 1 buổi/ngày, bài tập về nhà cũng ít, nếu HS nào làm nhanh có thể chỉ cần 15 - 20 phút là có thể hoàn thành.

Đồng thời, cô cũng cho hay không chỉ trong giai đoạn HS ôn tập kiểm tra định kỳ mà xuyên suốt năm học, việc giao bài tập về nhà cho HS học 2 buổi/ngày cũng hạn chế. Có thể là các GV nhắc nhở các con buổi tối về dành một chút thời gian để xem trước bài hôm sau.

Mong phụ huynh, giáo viên đừng quá nôn nóng

Nhiều phụ huynh sốt ruột với thành tích học tập của con học tiểu học là một thực tế hiện nay. Trên các hội nhóm phụ huynh, chúng tôi ghi nhận thực tế mua bán, trao đổi đề cương ôn tập, bộ đề kiểm tra định kỳ các lớp từ 1 tới 5, các loại sách - phiếu ôn tập cuối tuần môn toán, tiếng Việt cho tới 35 đề ôn luyện toán, 35 đề ôn luyện tiếng Việt… để con làm thêm ở nhà rất sôi nổi.

Cô Phan Thị Ngọc Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Định, Q.12, TP.HCM, cho biết luôn nhắc các GV trong việc thực hiện đúng hướng dẫn, chỉ đạo của phòng và sở GD-ĐT trong việc thực hiện ôn tập, kiểm tra đánh giá định kỳ.

“Quy tắc 10 phút” cho bài tập về nhà

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường song ngữ Quốc tế Canada (BCIS, TP.HCM), cho biết bài tập về nhà còn được xem như là hoạt động nối tiếp - phần thiết yếu của các hoạt động học tập.

Theo đó, bài tập về nhà giúp HS được ôn lại, củng cố bài học, thiết lập được thói quen tự học có kỷ luật tại nhà chứ không nhằm mục đích như luyện HS giỏi hay nâng cao cấp độ. Tiến sĩ Thu Huyền cho hay với trường này thì bài tập về nhà cũng cần có định lượng nhất định về thời gian, và thường là theo “quy tắc 10 phút”.

“Với HS tiểu học, chúng tôi khuyến khích các bài tập về nhà dạng mở như trẻ tới thư viện, tìm đọc sách, nói chuyện về cuốn sách với người thân, kể về điều thú vị em học được trong ngày, hay tìm một bài thơ về mẹ chẳng hạn”, tiến sĩ Thu Huyền nói.

Chị Nguyễn Thùy Liên, đồng sáng lập Học viện Self Hiil và dự án phi lợi nhuận “Trường nhà hạnh phúc”, cũng là phụ huynh của 2 HS tiểu học, cho hay nên có bài tập về nhà vì giúp HS nuôi dưỡng năng lực tự học. Tuy nhiên, lượng bài chỉ vừa phải, để thời lượng làm khoảng 30 phút. Đồng thời, bài tập về nhà nên là khuyến khích chứ không bắt buộc.

Các nhà nghiên cứu của ĐH Duke, bang Bắc Carolina, Mỹ đã xem xét hơn 60 nghiên cứu về bài tập về nhà từ năm 1987 tới 2003 và kết luận bài tập về nhà có thể tác động tích cực đến HS, nhưng quá nhiều thì có thể phản tác dụng với HS ở mọi cấp độ. HS cấp THCS, THPT được hưởng lợi từ bài tập về nhà nhiều hơn là tiểu học. Theo nghiên cứu này, GV tiểu học giao bài tập về nhà giúp HS phát triển các kỹ năng học tập và quản lý thời gian tốt hơn chứ không phải để ảnh hưởng ngay đến thành tích trong các môn học cụ thể. Bài tập về nhà cho HS tiểu học nên ngắn gọn, dễ làm, thi thoảng có sự tham gia của phụ huynh, và nếu có thể thì nên sử dụng các hoạt động ngoài trường học như tham gia thể thao, cho trẻ đọc cuốn sách yêu thích…

“Mới đây họp hội đồng sư phạm nhà trường, tôi cũng nhắc nhở thêm các GV. Ngay trong các buổi họp phụ huynh, các GV cũng nhắc cha mẹ đừng gây thêm áp lực học tập cho con, có gì không rõ về chương trình học của con có thể hỏi GV chủ nhiệm, không nên tự lên mạng tìm thêm đề cương, văn mẫu”, cô Phương nói.

Học sinh tiểu học có thể làm bài tập về nhà từ việc tìm hiểu sách

thúy hằng

Một GV tiểu học tại TP.HCM nói với PV Thanh Niên hiện nay có một số cha mẹ có tâm lý nôn nóng. Con học nhẹ quá, không có bài tập về nhà cũng thấy sốt ruột, thấy con chưa nhiều điểm 9, 10 cũng sốt ruột và cho con đi học thêm rất nhiều khiến các bé từ sáng đến tối mịt chỉ có học và học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.