Chiều nay, 24.2, Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến giới thiệu về các bài thi đánh giá năng lực 2021 ở Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, giới thiệu về bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT 2021 do trung tâm này tổ chức, với đa mục đích, trong đó có mục đích quan trọng là các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội (và các trường đại học bên ngoài khác) dùng để làm căn cứ tuyển sinh đại học 2021.
Theo ông Thảo, khi thiết kết bài thi đánh giá năng lực năm 2021, Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội hướng tới việc đánh giá 3 nhóm năng lực chính của thí sinh. Nhóm 1: năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề. Nhóm 2: năng lực toán, xử lý số liệu; tiếng Việt, tư duy ngôn nữ, lập luận logic… Nhóm 3: năng lực khám phá và ứng dụng khoa học tự nhiên/công nghệ, khoa học xã hội.
Bài thi đánh giá năng lực năm 2021 sẽ bao gồm 150 câu hỏi với tổng thời gian làm bài là 195 phút. Trong đó, phần đánh giá tư duy định lượng có thời gian làm bài dài nhất, với 75 phút. Hai phần còn lại (tư duy định tính, khoa học tự nhiên - xã hội), mỗi phần thí sinh làm bài trong 60 phút.
Phần tư duy định lượng, thí sinh sẽ được hỏi các nội dung về toán học, thống kê và xử lý số liệu trong chương trình 3 năm THPT (lớp 10, 11, 12). Phần tư duy định tính, thí sinh sẽ được hỏi các nội dung về văn học - ngôn ngữ trong chương trình THPT (từ lớp 10 đến lớp 12). Phần khoa học tự nhiên - xã hội, thí sinh sẽ được hỏi các nội dung về lý, hóa, sinh, sử, địa… trong chương trình lớp 11 và 12.
150 câu hỏi được chia đều cho 3 phần, tổng điểm 150 cũng được chia đều cho 3 phần. Với phần tư duy định lượng và khoa học tự nhiên - xã hội, hình thức câu hỏi là trắc nghiệm, có cả trắc nghiệm dạng chọn phương án trả lời, có cả trắc nghiệm dạng thí sinh tự điền đáp án. Còn phần tư duy định tính chỉ có câu hỏi trắc nghiệm dạng chọn phương án trả lời.
Ngày 15.3 công bố bài kiểm tra mẫu
Năm nay, Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức 6 đợt thi, tại Hà Nội, quy mô mỗi đợt khoảng 2.000 thí sinh. Đợt đầu tiên sẽ được tổ chức vào ngày 8 và 9.5; đợt 2 vào ngày 22 và 23.5; đợt 3 vào ngày 5 và 6.6; các đợt 4, 5, 6 được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 12.6 đến 24.7.
Từ 1.4, thí sinh đăng ký dự thi. Còn trước đó, ngày 15.3, Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ công bố bài thi tham khảo (bài thi mẫu).
Ông Thảo cũng cho biết, thí sinh có thể dự thi nhiều đợt. Tuy nhiên, thời gian dự thi giới hạn của mỗi em cách nhau tối thiểu 28 ngày. Ví dụ, lần 1 thi ngày 8.5 thì lần thứ 2 các em được dự thi sớm nhất là ngày 5.6.
Sau khi đăng ký dự thi, các em có quyền được chuyển ca thi trước 14 ngày với điều kiện nếu ca thi các em muốn dời đến vẫn còn đủ chỗ. Các em cũng có quyền hủy đăng ký dự thi. Thông tin thay đổi (chuyển ca thi, hủy thi…) được xác thực qua email cá nhân.
Ông Thảo khẳng định: “Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội không tổ chức ôn luyện thi cũng như không tổ chức thi thử cho thí sinh. Đội ngũ cán bộ, chuyên gia, cộng tác viên của trung tâm cam kết không tổ chức bất kỳ hoạt động nào liên quan đến bài thi đánh giá năng lực do Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức”.
Theo ông Thảo, trước kỳ thi, trung tâm chỉ “hỗ trợ” thí sinh một việc duy nhất là công bố bài thi tham khảo. Để ôn thi, các em làm bài thi mẫu trên giấy hoặc trên máy tính để làm quen câu hỏi, dạng thức, ngôn ngữ được sử dụng trong từng phần dự thi. Sau đó thì ôn tập phần làm chưa tốt.
Ông Thảo lưu ý: “Các em phải làm tuần tự từ phần 1 (định lượng) đến phần 2 (định tính) rồi sang phần 3 (khoa học). Sau khi kết thúc mỗi phần, máy tính sẽ tự chuyển sang phần tiếp theo. Nếu đang làm bài ở phần 2, thí sinh không thể quay trở lại làm các câu hỏi của phần 1”.
Bình luận (0)