Cô Phạm Thu Trang, giáo viên ngữ văn tài năng, tâm huyết của Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Q.Ba Đình, Hà Nội), đã "chốt" lại ngắn gọn thành 10 điều “cốt tử” học sinh cần nhớ trước khi làm bài thi môn ngữ văn trong kỳ thi vào lớp 10.
Cô Phạm Thu Trang |
nvcc |
Cụ thể như sau:
1. Trước khi nhận đề, nhẩm lại cách làm nghị luận văn học, nghị luận xã hội, 2 câu “thần chú” (đã học rất kỹ) về nghệ thuật xây dựng nhân vật, năm sáng tác của các tác phẩm, một số kiến thức về ngữ pháp (cách viết câu bị động, phép thế, câu phủ định, khởi ngữ, thành phần biệt lập...), cách viết kiểu đoạn văn: câu mở, chốt, 5 bước của nghị luận xã hội.
2. Đọc kỹ đề, gạch chân phân tích đề cẩn thận để làm đúng yêu cầu đề.
3. Phân chia thời gian cho từng phần để làm bài cho phù hợp.
4. Đối với câu hỏi nhỏ: trả lời đầy đủ, cặn kẽ, cố gắng đào sâu ý (từ nghệ thuật đến nội dung, chú ý nêu bật chủ đề, nhận xét thái độ, tình cảm về tác giả, nhân vật). Không trả lời một đáp án cho câu hỏi tại sao, cảm thụ (dùng nhiều từ đồng nghĩa cho một ý trả lời)
5. Đối với đoạn nghị luận văn học: chú ý xác định đúng phạm vi, yêu cầu phân tích, làm nháp cẩn thận: làm nháp câu chủ đề, yêu cầu tiếng Việt, nháp các ý chính (nội dung, nghệ thuật) của đoạn rồi mới làm bài.
Phải gạch chân, chú thích bằng bút mực (vì thế, nhớ gạch cho chuẩn xác).
Phải soát lại hình thức, kiến thức tiếng Việt ở đoạn văn rồi mới chuyển sang phần câu hỏi tiếp theo.
Chuyển ý bằng cách bám sát ý chủ đề. Nếu là thơ: chú ý chép thơ, tìm nghệ thuật, nêu tác dụng. Văn xuôi (phân tích nhân vật: sau khi xong phần nội dung, phải có nghệ thuật xây dựng nhân vật).
6. Đối với đoạn văn nghị luận xã hội: chú ý xác định đúng kiểu bài (đặc biệt là nghị luận về một ý kiến): bắt buộc phải có dẫn chứng thực tế sau bước 3 (tại sao - vai trò), phần liên hệ bản thân, bài học viết thật cụ thể: học sinh cần làm gì… câu chốt đưa ra lời nhắn nhủ, lời khuyên.
“Mẹo” ở phần này là học sinh cần bám sát các từ khoá và lặp lại các từ khoá trong bài (khéo léo, vừa đủ) sao cho thật sát yêu cầu đề.
7. Câu hỏi liên hệ về tác phẩm: chớ viết linh tinh, cố gắng chọn đáp án chuẩn xác, phù hợp nhất rồi mới hạ bút.
8. Làm tuần tự các câu hỏi trong đề, hạn chế đảo lộn thứ tự, chú ý giãn cách giữa các câu hỏi nhỏ để có thể bổ sung ý. Làm theo nguyên tắc, dễ làm trước, khó làm sau. Có thể làm hết câu hỏi nhỏ rồi đến phần làm nội dung.
9. Tuyệt đối không bỏ giấy trắng bất kỳ phần nào, dù thế nào cũng phải làm cho hết bài.
10. Viết đẹp, viết sát lề cho ngay ngắn để người chấm có cảm tình. Làm xong, phải kiểm tra lại bài.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2022 - 2023 tại Hà Nội diễn ra vào ngày 18 - 19.6 với gần 107.000 thí sinh đăng ký dự thi. Từ 8 giờ sáng nay 17.6, các điểm thi bắt đầu đón học sinh đến làm thủ tục dự thi.
Từ 8 giờ sáng 18.6, thí sinh sẽ làm bài thi đầu tiên là môn ngữ văn; buổi chiều cùng ngày thi môn ngoại ngữ.
Sáng 19.6, thí sinh làm bài thi môn toán. Trong đó, môn ngữ văn và toán sẽ thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài là 120 phút. Môn ngoại ngữ thi trắc nghiệm trong 60 phút.
Bình luận (0)