Không chỉ ở nghị trường, cuộc tranh luận về “nhân văn” hay “phi nhân văn”, “phù hợp, tự nguyện” hay “bất bình đẳng” trong việc tăng giờ làm chắc chắn sẽ là một cuộc tranh luận tốn nhiều giấy mực bởi phía nào cũng “khoa học và thuyết phục”.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (đại biểu Quốc hội TP.HCM) thì cho rằng nói theo cách nào, tăng giờ làm cũng không thể là nhân văn được. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cũng có lý do để lo lắng, vì chỉ theo tính toán sơ bộ của bộ này ngay trong đêm trước khi Quốc hội thảo luận, thì nếu như giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần như hiện nay xuống 44 giờ/tuần sẽ khiến chi phí cho lao động tăng 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm 20 tỉ USD và tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi tới 0,5% mỗi năm.
Thế nhưng, việc sa đà vào cuộc tranh luận không có hồi kết về thời giờ làm việc đã khiến chúng ta bỏ quên đi một thực tế khá phũ phàng là dù thời gian làm việc thế nào, năng suất lao động của VN luôn ở tốp cuối của khu vực và thế giới trong suốt nhiều năm qua.
Đánh giá gần đây nhất (năm 2018) cho thấy, năng suất lao động của VN kém Singapore tới gần 14 lần, Thái Lan hơn 5 lần, Malaysia gần 3 lần và Indonesia là hơn 2 lần. Chính Bộ LĐ-TB-XH đã phải chua chát thừa nhận: “Dù theo thước đo nào đi chăng nữa thì năng suất lao động của VN vẫn còn thấp xa so với các nước trong khu vực”.
Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế vẫn chưa thể chắc chắn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm thế nào để chỉ trong một buổi tối có thể giải quyết được câu hỏi nghiên cứu mà các nhà kinh tế phải đau đầu bấy lâu, song, điều họ chắc chắn rằng là, tăng thời giờ làm việc của người lao động không phải là đáp án duy nhất cho bài toán tăng năng suất lao động của VN.
Nghiên cứu cho thấy, việc giảm giờ làm không ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng kinh tế như Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung giải trình tại Quốc hội. Bởi kể từ năm 1996, thời giờ làm việc bình quân của VN đã giảm đột ngột khi áp dụng quy định thời gian làm việc 48 giờ/tuần tại bộ luật Lao động năm 1995, nhưng kinh tế VN từ đó tới nay vẫn tăng trưởng liên tục.
Trong khi đó, cái thực tế mà người ta đưa ra để giải thích cho đề xuất tăng giờ làm cho thấy, các doanh nghiệp đã chọn cách tiện lợi và rẻ nhất để tăng doanh thu là sức lao động thay vì đầu tư mở rộng sản xuất, thuê thêm lao động hay đầu tư vào công nghệ.
Vì vậy, hoàn toàn có lý do để tin rằng, nếu như giảm thời giờ làm việc nhưng có thể tăng năng suất lao động nhờ chất lượng lao động được cải thiện, sự đầu tư công nghệ cũng như gỡ bỏ các rào cản thể chế thì những giá trị đem lại có thể nhiều hơn 20 tỉ USD mà Bộ trưởng Dung đang lo lắng sẽ mất đi khi giảm thời giờ làm việc.
Bình luận (0)