Bài toán khó ở Trung Đông

19/01/2024 06:10 GMT+7

Các nỗ lực kiềm chế xung đột lan rộng ở Trung Đông đang rơi vào thế bế tắc do các bên liên quan chưa tìm được tiếng nói chung.

Hy vọng nhỏ nhoi ở Gaza

Reuters ngày 18.1 cho hay hy vọng ngăn xung đột lan rộng ở biên giới Israel - Li Băng mà Mỹ đề xuất vào tuần trước đã đạt được tín hiệu lạc quan nhỏ nhoi, khi lực lượng Hezbollah để ngỏ khả năng đàm phán ngoại giao để ngăn một cuộc chiến tàn khốc. Tuy nhiên, Hezbollah bác bỏ các đề xuất từ Lầu Năm Góc về việc rút các tay súng ra xa biên giới với Israel. Lực lượng này tuyên bố tiếp tục bắn tên lửa vào Israel cho đến khi có lệnh ngừng bắn hoàn toàn ở Dải Gaza. Đây cũng là lần đầu tiên thông tin này được công bố.

Bài toán khó ở Trung Đông- Ảnh 1.

Người dân ở Gaza mất nhà cửa vì xung đột

REUTERS

Israel cũng nói muốn tránh chiến tranh, song tuyên bố sẽ chiến đấu nếu cần thiết. Nước này dọa phản ứng mạnh mẽ hơn nếu không đạt được thỏa thuận đảm bảo an toàn cho khu vực biên giới với Li Băng. Israel cũng chịu áp lực lớn hơn trong bối cảnh làn sóng chỉ trích đối với các hoạt động quân sự mà nước này triển khai nhằm vào lực lượng Hamas ở Gaza đang gia tăng. Quân đội Jordan ngày 18.1 cáo buộc Israel phải chịu trách nhiệm về "sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế" khi tấn công một bệnh viện dã chiến ở TP.Khan Younis ở miền nam Gaza. Quân đội Israel bác bỏ cáo buộc này.

Hamas tung video thông báo con tin Israel thiệt mạng

Dù vậy, vẫn có tin vui với người dân Palestine ở Gaza khi họ sẽ sớm nhận 2 chuyến hàng chở thuốc men và viện trợ nhân đạo thông qua cửa khẩu ở Ai Cập. Đây là một phần trong thỏa thuận do Qatar làm trung gian với sự giúp đỡ của Pháp, theo Hãng Al Jazeera.

Bài toán khó ở Trung Đông- Ảnh 2.

Hàng viện trợ vào Gaza hôm 17.1

AFP

Biển Đỏ chưa lặng sóng

Tình hình còn phức tạp hơn ở biển Đỏ khi các bên quyết không nhân nhượng. Hãng thông tấn Saba của lực lượng Houthi hôm 18.1 đưa tin Mỹ và Anh đã tấn công một số khu vực ở Yemen, nơi nhóm này đang hoạt động. Các quan chức Mỹ sau đó xác nhận thông tin với Reuters. Ngoài ra, Mỹ cũng đưa Houthi trở lại danh sách khủng bố toàn cầu. Dù Mỹ nhấn mạnh sẽ thay đổi quyết định nếu Houthi ngừng tấn công vào tàu ở biển Đỏ, nhóm này tuyên bố sẽ "không dừng lại". Lầu Năm Góc cũng thông tin về việc Houthi dùng máy bay không người lái để tấn công tàu hàng Genco Picardy của Mỹ ở vịnh Aden.

Động thái từ Houthi đã khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính cũng như các đòn quân sự để bảo vệ hoạt động thông thương hàng hải toàn cầu. Theo Đài ABC News, lệnh trừng phạt sẽ được thiết kế để hạn chế tác động đối với 32 triệu người dân Yemen, một trong những nước nghèo nhất thế giới

Houthi tấn công tàu Mỹ sau động thái mới nhất của Washington

Cũng trong nỗ lực kiềm chế Houthi, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã gặp người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian hôm 17.1 bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) và bày tỏ phản ứng về cuộc tấn công của Houthi ở biển Đỏ, đồng thời thúc giục Iran ngăn chặn điều này. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Tehran.

Mỹ nêu giải pháp tái lập an ninh Trung Đông

Trước loạt diễn biến bất định, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 17.1 nói rằng Israel không thể đạt được "an ninh thực sự" nếu không có giải pháp 2 nhà nước với Palestine. Tờ The Times of Israel dẫn lời ông Blinken nhấn mạnh rằng một động thái như vậy có thể giúp thống nhất Trung Đông và cô lập Iran. Trong khi đó, Ý đang thúc đẩy "một quyết định chính trị" nhằm thành lập phái đoàn an ninh hàng hải của Liên minh Châu Âu (EU) tại biển Đỏ, để lực lượng này có thể đi vào hoạt động sớm nhất có thể. EU đặt mục tiêu làm điều này chậm nhất là vào ngày 19.2, theo Đài Sky News.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.