Bài toán kinh phí tổ chức SEA Games 31

05/03/2017 10:14 GMT+7

Để được chọn đăng cai SEA Games 31 năm 2021, TP.HCM phải giải được bài toán về kinh phí tổ chức, cơ sở vật chất lên đến vài nghìn tỉ đồng cũng như sử dụng các công trình thể thao sao cho hiệu quả sau khi đại hội kết thúc.

Ban soạn thảo của Sở VH-TT TP.HCM đang gấp rút hoàn thiện đề án đăng cai SEA Games 31 với phương châm tận dụng tối đa nguồn lực xã hội hóa, tiết kiệm ngân sách nhưng vẫn đảm bảo được một kỳ SEA Games thành công về khâu tổ chức. Đề án nêu rõ: “Đây là cơ hội nâng cao vị thế và uy tín của đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước”.
Nhiều nhà đầu tư vào cuộc
TP.HCM dự kiến danh sách thi đấu tại SEA Games 31 gồm 36 môn và sẽ kết hợp với Bình Dương để tổ chức ở ít nhất 40 - 50 nhà thi đấu, công trình thể thao. Hiện TP đã có sẵn 25 công trình (cần được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp ở mức độ vừa phải) để phục vụ SEA Games 31. Năm công trình cần được xây mới hoàn toàn hoặc mở rộng gồm: Công trình phục vụ bơi lội, các môn thể thao dưới nước, quần vợt đều tại Nhà thi đấu Phú Thọ; trường bắn súng, bắn cung tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc hoặc tại Trường đại học TDTT TP.HCM; sân điền kinh, sân vận động với quy mô lớn nhất nước vào khoảng 50.000 chỗ ngồi tại Rạch Chiếc. Nhà thi đấu Phan Đình Phùng cũng sắp được khởi công để trở thành một tổ hợp thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực.
Tất nhiên, khoản kinh phí để nâng cấp hay xây mới, mở rộng các công trình trên không phải là nhỏ, ước tính khoảng 6.700 - 7.000 tỉ đồng, ngân sách TP không thể đáp ứng nổi. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, TP đã kêu gọi các nhà đầu tư cả trong, ngoài nước và tín hiệu vô cùng phấn khởi khi có rất nhiều doanh nghiệp muốn vào cuộc. Tính đến đầu tháng 3.2017, riêng Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc (trong đề án nói rõ đây là một trong hai dự án được ưu tiên đầu tư) đã nhận được sự cam kết hỗ trợ tài chính của một nhà đầu tư lo về giải tỏa mặt bằng, đền bù và hạ tầng; một nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo, đua xe gắn máy; hai nhà đầu tư khác đang cạnh tranh để được xây sân 50.000 chỗ ngồi, một nhà đầu tư xây dựng nhà thi đấu đa năng, sân tập… Nếu đề án được phê duyệt, TP sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn những nhà đầu tư có tâm, có tầm, có nguồn lực dồi dào làm đối tác.
Bài toán kinh phí tổ chức SEA Games 31
Môn taekwondo tranh tài ở Nhà thi đấu Phú Thọ tại SEA Games 22 Khả Hòa
Công trình thể thao biết tự “làm” ra tiền
Năm 2003, VN đăng cai SEA Games 22 với tổng kinh phí 5.000 tỉ đồng (tương đương gần 250 triệu USD), trong đó 1.000 tỉ đồng cho việc xây sân Mỹ Đình, 800 triệu đồng xây cung thể thao dưới nước. Singapore tổ chức SEA Games 28 với 240 triệu USD, Myanmar tổ chức SEA Games 27 với gần 400 triệu USD, Indonesia đăng cai năm 2011 với hơn 300 triệu USD. Vì thế nếu TP.HCM chi khoảng 600 tỉ đồng, tức khoảng gần 30 triệu USD cho việc đăng cai SEA Games so với các quốc gia khác là con số chấp nhận được trong tình hình kinh tế xã hội của TP.HCM và VN hiện nay.
Một lãnh đạo ngành thể thao TP cho hay: “Chúng tôi đã tiếp xúc với hầu hết các doanh nghiệp này và họ đều rất tâm huyết. Đôi bên sẽ phối hợp chặt chẽ, đúng pháp luật để khai thác tối đa công năng của các công trình thể thao. Các nhà xây dựng đề án mong muốn các cấp có thẩm quyền cho cơ chế là các công trình này sẽ không chỉ phục vụ chuyên môn đơn thuần mà còn đi kèm nhiều dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí lành mạnh khác bởi những dịch vụ này đem lại nguồn thu không nhỏ ở tương lai.
Ở các nước khác, công trình thể thao hiện đại luôn được xây kèm siêu thị, nhà hát, rạp chiếu phim. Ngân sách sẽ không phải chi đồng nào cho công tác duy tu, bảo dưỡng mà tự công trình đó biết cách làm ra tiền”.
Năm 2003, khi SEA Games 22 tổ chức ở VN với địa điểm chính là Hà Nội, tuy chỉ là “chi nhánh phụ” nhưng TP.HCM cũng có 3 công trình được xây mới, nơi diễn ra một số hoạt động của đại hội năm đó. Sau 14 năm, cả 3 công trình này vẫn hoạt động tốt, thậm chí làm ăn có lãi.
Ví dụ như Nhà thi đấu Phú Thọ - mỗi năm tổ chức 40, 50 giải đấu thể thao và 20 sự kiện khác như hội chợ, văn hóa, tiếp thị du lịch… Nhà thi đấu Nguyễn Du cũng đã trở thành đơn vị tự hạch toán, không cần đến ngân sách TP. Từ câu chuyện này, không khó đoán về tương lai sau này của các công trình sẽ được xây mới mà theo như lời của một quan chức TP: “Thực tế đã chứng minh, TP biết cách quản lý, khai thác các thiết chế thể thao phục vụ đời sống nhân dân, không để xảy ra tình trạng lãng phí như công trình bị trùm mền, bị mọc rêu hay mốc xanh mốc đỏ. Tuyệt đối không bao giờ để xảy ra chuyện đó”.
Còn về kinh phí tổ chức vào khoảng 950 tỉ đồng, ban soạn thảo đề án đã muốn “co” lại cho tiết kiệm hơn, ví dụ như sẽ tổ chức lễ khai mạc tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng với số tiền chỉ khoảng 20 - 25 tỉ đồng (bế mạc khoảng 2 - 3 tỉ đồng). TP cũng sẽ thu từ các đoàn tham dự SEA Games khoảng 100 tỉ đồng; tiền bản quyền truyền hình trong nước, quốc tế khoảng 65 tỉ đồng; tài trợ, khai thác quyền thương mại khoảng 30 tỉ đồng. Như vậy, TP sẽ chi khoảng 600 tỉ đồng cho các hoạt động tổ chức.
Sẽ áp dụng một số mô hình như Hàn Quốc đã làm ở ASIAD 2014
Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Mai Bá Hùng cho biết kinh nghiệm tổ chức các đại hội thể thao lớn thì Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 cường quốc đáng để VN và TP.HCM học hỏi. Khi chi cho công tác xây dựng cơ bản, đầu tư một số cơ sở vật chất dùng để thi đấu, thiết lập các công trình phụ hỗ trợ công tác ăn ở sinh hoạt của đại hội... họ đều vận dụng theo phương châm tiết kiệm tối đa, sử dụng nguồn xã hội hóa hoặc tận dụng các cơ sở tập luyện thi đấu sẵn có chứ không xây mới. Hai là làm công trình dã chiến, lắp ghép bằng các thiết bị công nghệ đáp ứng cho hoạt động thi đấu, hết giải xong thì tháo dỡ.
Như tại ASIAD 2014, nhà thi đấu cử tạ tại Incheon (nơi Thạch Kim Tuấn thi đấu) được làm theo kiểu dã chiến nhưng vẫn đảm bảo mọi tiện nghi cần thiết cho việc tổ chức. Xong giải, công trình này được tháo dỡ nhanh chóng trả lại mặt bằng cho công tác dân sinh. Một số công trình khác như làng ASIAD được thiết kế nhằm vào hiệu quả sử dụng lâu dài như ký túc xá sinh viên, nên BTC đại hội tận dụng kết hợp “hai trong một” sau đó trả lại cho các hoạt động cộng đồng có giá trị sử dụng rất bổ ích sau này. (T.K)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.