Bài toán phòng thủ UAV tại Trung Đông

10/10/2019 07:16 GMT+7

Cuộc tấn công hai nhà máy dầu của Ả Rập Xê Út là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nước trong việc phát triển vũ khí phòng không tầm ngắn.

Hệ thống không phù hợp

Hồi tháng 7, thủy quân lục chiến Mỹ thông báo dùng hệ thống tác chiến điện tử LMADIS, đặt trên tàu tấn công đổ bộ USS Boxer, hạ được một UAV của Iran tiếp cận ở khoảng cách hơn 900 m tại eo biển Hormuz, theo trang Popular Mechanics. Quân đội Mỹ cho biết đã nhiều lần cảnh báo nhưng chiếc UAV vẫn cố tình tiếp cận nên bị hạ gục. Sau đó, Iran nói nước này không mất UAV nào và có thể Mỹ đã bắn nhầm UAV của chính mình.
Các chuyên gia quân sự nhận định Ả Rập Xê Út tuy có nhiều hệ thống phòng không đáng gờm, nhưng không thích hợp để chống lại UAV hay tên lửa hành trình. Hệ thống chủ lực mà nước này đang có là Patriot của Mỹ, thì chủ yếu để ngăn chặn tên lửa đạn đạo tầm cao trong khi tên lửa hành trình và UAV có thể bay thấp.
Mặt khác, Ả Rập Xê Út còn sở hữu hệ thống pháo phòng không Oerlikon Skyguard do Đức sản xuất và tên lửa phòng không tầm ngắn Shahine của Pháp, nhưng những vũ khí bị cho là lỗi thời, và chủ yếu chống máy bay, trực thăng có người lái.
“Hầu hết radar phòng không được thiết kế để phát hiện mối đe dọa tầm cao như tên lửa đạn đạo. Tên lửa hành trình và UAV bay gần mặt đất và có thể không bị phát hiện vì địa hình mấp mô. UAV quá nhỏ và không để lại tín hiệu nhiệt trên hầu hết radar”, chuyên gia Dave DesRoches tại ĐH Quốc phòng (Mỹ) cho biết. Theo trang DefenseWorld.net (Ấn Độ), Patriot chỉ có thể tiêu diệt mục tiêu bay ở độ cao thấp nhất là 50 m, trong khi UAV hoàn toàn có thể bay thấp hơn độ cao này.

Ả Rập Xê Út trưng bằng chứng "không thể chối cãi" về vũ khí Iran

Chuyên gia Jack Watling thuộc Viện Nghiên cứu an ninh và quốc phòng RUSI (Anh) bình luận nếu dùng tên lửa trị giá 3 triệu USD của Patriot chỉ để tiêu diệt một chiếc UAV được thiết kế thô sơ chẳng khác nào “dùng dao mổ trâu giết gà”. Đó là chưa kể có nhiều UAV tấn công cùng lúc.

Chạy đua phát triển

Hiện tại, nhiều nước tập trung củng cố khả năng phòng thủ tầm ngắn bằng cách phát triển những hệ thống vũ khí mới. Theo chuyên san Breaking Defense, lục quân Mỹ đang phát triển và dự tính biên chế tổ hợp phòng không - chống tăng tầm gần IM-SHORAD. Tổ hợp này được đặt trên xe bọc thép Stryker, có tên lửa Stinger, pháo tự động 30 mm, súng máy 12,7 mm cùng hệ thống tác chiến điện tử có khả năng gây nhiễu và hạ gục UAV mà không cần nổ súng. Tuy nhiên, vấn đề đối với IM-SHORAD là khả năng chống lại nhiều UAV tấn công cùng lúc.
Mặt khác, Mỹ, Nga và Trung Quốc được cho là đang chạy đua phát triển vũ khí laser, có thể đốt cháy UAV hay tên lửa chính xác với chi phí cực thấp. Tuy nhiên, điểm yếu của vũ khí laser là cần nguồn năng lượng cực lớn để chống lại mục tiêu xa và có thể bị ảnh hưởng trong thời tiết xấu.
Cũng có chuyên gia gợi ý bên phòng thủ có thể sử dụng hệ thống phá sóng điện tử, nhưng công nghệ này có tác dụng phụ là có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hệ thống liên lạc gần đó cũng như đến sức khỏe của con người. Trong khi đó, ông Miguel Miranda, sáng lập website quân sự 21stCenturyArmsRace.com, nhận định các nước cần một lớp phòng thủ nhiều tầng đích thực. Trong khu vực Trung Đông hiện nay, Israel được cho là phát triển tương đối đầy đủ một lớp phòng thủ đa tầng, với hệ thống Iron Dome tầm gần, hệ thống David’s Sling tầm trung và Arrow, Patriot, THAAD tầm xa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.