Cách đây chưa lâu, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các bộ, ngành để xin ý kiến về Dự thảo Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT - metro) tại Hà Nội và TP.HCM trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua.
Mục tiêu đầu tư các tuyến ĐSĐT TP.Hà Nội, TP.HCM có tốc độ thiết kế 80 - 160 km/giờ, đường đôi, khổ đường 1.435 mm, điện khí hóa. Đến năm 2035 hoàn thành toàn bộ các tuyến ĐSĐT theo quyết định phê duyệt quy hoạch chung 2 thành phố trước đây, với tổng chiều dài khoảng 580,8 km (TP.Hà Nội khoảng 397,8 km; TP.HCM khoảng 183 km), đạt tỷ lệ 35 - 50% thị phần vận tải hành khách công cộng.
Đến năm 2045, sẽ hoàn thành đưa vào khai thác thêm khoảng 369,06 km (TP.Hà Nội khoảng 200,7 km; TP.HCM khoảng 168,36 km), đạt tỷ lệ 35 - 50% thị phần vận tải hành khách công cộng.
Cần ưu tiên làm chủ công nghệ
Góp ý cho đề án, Bộ KH-ĐT hồi cuối tháng 8 vừa qua lưu ý Bộ GTVT và Hà Nội, TP.HCM cần rà soát làm rõ nguyên nhân, việc tổ chức thực hiện các dự án chưa kịp thời; mục tiêu ưu tiên phát triển ĐSĐT; cơ sở pháp lý; sự thiếu đồng bộ các cơ chế, chính sách dẫn đến chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, chậm trễ trong thực hiện các dự án...
Đặc biệt, cần làm rõ phương án huy động vốn và ảnh hưởng tới các chỉ tiêu tài chính quốc gia của kế hoạch phủ kín mạng ĐSĐT tại Hà Nội và TP.HCM. Ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển mạng lưới ĐSĐT tại 2 thành phố vào năm 2035 là rất lớn, cần khoảng 174,06 tỉ USD, bao gồm 145,26 tỉ USD cho nhu cầu đầu tư, xây dựng và 28,8 tỉ USD cho vận hành khai thác.
Học viên lái tàu thích thú điều khiển đoàn tàu metro số 1
Theo Bộ KH-ĐT, phương án huy động vốn đầu tư các dự án ĐSĐT phụ thuộc vào quyết định lựa chọn công nghệ trong trường hợp huy động nguồn vốn ODA hoặc vay tín dụng xuất khẩu do các đối tác thường áp dụng điều kiện vay ràng buộc (đi kèm công nghệ). Do đó, hai thành phố lớn cần cân nhắc kỹ phương án huy động vốn đầu tư đảm bảo khả năng tối đa về làm chủ công nghệ, vận hành và khai thác các tuyến ĐSĐT.
Với Hà Nội, để đầu tư hệ thống ĐSĐT từ nay đến năm 2045 khoảng 66,38 tỉ USD. Thành phố có thể huy động khoảng 57,77 tỉ USD, còn thiếu 8,61 tỉ USD so với nhu cầu đầu tư và dự kiến bù đắp bằng nguồn ngân sách T.Ư hỗ trợ. Trong khi đó, sơ bộ tổng cầu vốn đầu tư đến năm 2035 của TP.HCM khoảng 34,92 tỉ USD. TP.HCM cân đối được 25,17 tỉ USD và đề nghị T.Ư hỗ trợ có mục tiêu khoảng 9,75 tỉ USD. Ước tính tổng nhu cầu vốn mà 2 thành phố đề nghị ngân sách T.Ư đến năm 2035 để phát triển ĐSĐT là khoảng 18,36 tỉ USD.
Tuy nhiên, qua rà soát sơ bộ, Bộ KH-ĐT cho rằng số liệu nhu cầu đầu tư, khả năng huy động chưa thống nhất; không đưa ra phương pháp, cơ sở tính toán sơ bộ nhu cầu đầu tư và khả năng huy động vốn. Ngoài ra, việc hỗ trợ ngân sách T.Ư cho TP.Hà Nội và TP.HCM để đầu tư metro cần xem xét trong bối cảnh dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam và các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn khác như Đồng Đăng - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng... cũng được dự kiến đầu tư trong giai đoạn từ năm 2026 - 2035.
Metro đang thay đổi thói quen đi lại ở Hà Nội
Đầu tháng 8, Hà Nội vận hành tuyến ĐSĐT thứ 2 sau Cát Linh - Hà Đông là đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội dài 8,5 km, đoạn ngầm còn lại robot đã bắt đầu đào hầm ngầm. Chỉ sau 1 tuần vận hành, tuyến đã đón hơn 393.000 lượt hành khách, cao gấp 2 lần tuyến Cát Linh - Hà Đông trước đó.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn, Hà Nội phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng, vận hành 10 tuyến ĐSĐT (bao gồm các tuyến đã đi vào vận hành, khai thác là tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao tuyến số 3.1 Nhổn - Cầu Giấy). TP.Hà Nội cũng đang tổ chức nghiên cứu, triển khai thực hiện các dự án đầu tư tuyến số 2.1 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), tuyến số 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai), tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), tuyến số 2A kéo dài (Hà Đông - Xuân Mai).
TS Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), cho biết với tuyến Cát Linh - Hà Đông, mỗi ngày làm việc có khoảng 37.000 lượt hành khách sử dụng ĐSĐT đi lại, trong đó 80% đi vào giờ cao điểm (đi thường xuyên bằng vé tháng). Theo ông Trường, thực tế cho thấy ĐSĐT đang thay đổi thói quen đi lại và tạo nét văn hóa giao thông mới, hiện đại cho người dân Hà Nội.
Thực tế chậm chạp và ì ạch hơn chục năm mới xong một tuyến ĐSĐT đang là thách thức không nhỏ cho khát vọng "phủ kín" mạng lưới metro của Hà Nội trong khoảng 20 năm tới. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm quản lý vận hành 2 tuyến metro tại Hà Nội, TS Vũ Hồng Trường cho rằng hệ thống ĐSĐT thủ đô hoàn toàn có thể hoàn tất mục tiêu 200 km nếu có cơ chế thực sự đột phá. Nhấn mạnh đến đột phá về cơ chế chính sách, theo ông Trường, điều này sẽ tạo ra hành lang pháp lý mới, đặc thù, giải quyết tận gốc những vướng mắc của ĐSĐT hiện nay.
TP.HCM chạy nước rút tuyến metro đầu tiên
Hiện nay, tuyến metro số 1 TP.HCM (metro Bến Thành - Suối Tiên) đang chạy nước rút với mục tiêu đưa vào khai thác thương mại cuối năm nay. Ngay trước thềm lễ Quốc khánh (2.9), lần đầu tiên các học viên lái tàu VN (thuộc Công ty Đường sắt đô thị số 1 - đơn vị vận hành metro) đã được trực tiếp điều khiển vận hành thử nghiệm 6 đoàn tàu thuộc tuyến metro số 1. Tàu chạy thử trên toàn tuyến từ ga Bến Thành (Q.1) tới ga Suối Tiên (TP.Thủ Đức) tổng chiều dài gần 20 km.
Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR) - chủ đầu tư, cho biết MAUR vẫn đang giữ nguyên tiến độ đã báo cáo UBND TP.HCM theo cam kết của các nhà thầu Nhật Bản, tức hoàn thành tuyến metro số 1 vào tháng cuối cùng của năm 2024 và đưa vào vận hành.
Ngay sau khi tuyến metro đầu tiên đi vào hoạt động, MAUR cũng sẽ khởi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Dự án hiện cũng đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành Quyết định bồi thường 584/586 trường hợp, đạt 99,6%. Các nhà thầu đang thi công những hạng mục đầu tiên về di dời - tái lập hệ thống cấp thoát nước, biển báo, chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông. Qua các bước chuẩn bị, mục tiêu đề ra là thi công các hạng mục nhà ga, tuyến chính vào năm 2025, đảm bảo đưa tuyến metro số 2 vào khai thác năm 2030 như chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo tính toán, tuyến metro số 1 hoàn thành mới chỉ giải quyết được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân từ phía đông (khu vực TP.Thủ Đức) về phía trung tâm TP. Sau khi tuyến số 2 và các tuyến tiếp theo hoàn thành thì tác động sẽ tăng lên rất nhiều. Mạng lưới metro hoàn thiện theo quy hoạch, kết hợp cùng hệ thống xe buýt, đường sắt trên cao... có thể đáp ứng 30 - 40% nhu cầu đi lại của người dân TP.
Song song với việc chạy đua tiến độ tuyến số 1 và số 2, TP.HCM cũng đang chuẩn bị trước nhiều công tác để có thể thực hiện ngay đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị sau khi được cấp có thẩm quyền "gật đầu". Đề án đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035, TP sẽ hoàn thành 6 tuyến metro với tổng chiều dài 183 km, sau đó tiếp tục làm thêm hơn 168 km để nâng tổng số chiều dài mạng lưới metro lên hơn 351 km vào năm 2045.
Để thực hiện mục tiêu, đề án cũng đã xây dựng 6 nhóm cơ chế, chính sách với 28 cơ chế. Trong đó, có 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội; 11 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.
Cần phù hợp đặc thù
Tờ trình của UBND TP.Hà Nội cũng đề xuất 23 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện đề án ĐSĐT. Đặc biệt Hà Nội đề xuất được điều chỉnh chức năng sử dụng cho các khu đất trong khu vực đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD) để khai thác quỹ đất và khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong các khu vực TOD…
Song theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung, thực tế việc triển khai hiện có nhiều vướng mắc liên quan việc sử dụng đất, không gian ngầm và trên cao xung quanh vị trí các nhà ga và các tuyến đường giao thông. Trung Quốc cũng đã điều chỉnh mô hình TOD thành TAD (mô hình giao thông kề cạnh) để phù hợp với đặc thù mật độ dân số lớn. Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng lưu ý việc phân tích kiểm soát và xử lý các rủi ro của các dự án metro.
Bình luận (0)