Bám biển mưu sinh

06/08/2018 09:34 GMT+7

Những ngày biển động, phần lớn ngư dân H.Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) “nằm bờ”, nhưng cũng có một số người liều mình vượt sóng lớn ra khơi để mưu sinh...

Ra khơi ngày biển động
Hơn 3 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Dũng (47 tuổi, ngụ xóm 6, xã Hòa Phú, H.Tuy Phong) cùng vợ Nguyễn Thị Tuyết Mai, 42 tuổi, chuẩn bị ra khơi. Chiếc ghe nằm cách bờ mấy chục mét nên phải chèo bè ra. Giữ vững tay chèo, ông ra hiệu cho vợ bước xuống. Chiếc bè bằng xốp chừng 1 m2 đang chao đảo thì bất ngờ sóng đánh mạnh khiến bè lật úp. Hai vợ chồng chới với giữa dòng nước mặn chát, bà Mai lầm bầm bảo chồng lèo lái gì... kỳ cục. Mấy phút sau, tới lượt tôi. “Biết lội chứ? Biển động sóng lớn, gió to nên dễ có chuyện nọ chuyện kia lắm nghen!”, anh Dũng dò hỏi lần cuối. Tôi gật đầu.
Lên ghe, ai nấy yên vị. Ông Dũng nổ máy bắt đầu tiến ra biển lớn. Lúc này bà Mai mới lần mò tìm tấm áo mưa tiện lợi tròng vội vào người. “Tui theo chồng nhiều năm ra khơi nên quen rồi, ổng sao tui vậy chứ hông thấy cực gì mấy. Người tui ướt mèm hết nên gió thổi lạnh quá...”, bà Mai nói lập bập rồi chui vào khoang ghe ngồi co ro.
Bà con tất bật tách, lựa các loại sò ra từng loại ở bến sò Chí Công (xã Chí Công, H.Tuy Phong)
Chẳng mấy chốc, bình minh lên. Chiếc ghe dập dềnh bởi những con tàu công suất lớn chạy ngang làm sóng đánh ngập gần hết mạn ghe, nước văng tung tóe. Ngày nào cũng vậy, hai vợ chồng đặt hàng trăm chiếc lồng từ sáng hôm trước, sáng sớm hôm sau đi gom tôm cá. “Mấy ngày này hầu hết dân chài ở nhà, đợi biển êm mới ra khơi. Vợ chồng tui thì không đợi được, phải ra vớt, đặt dập lồng kiếm tiền trang trải”, ông Dũng cho hay.
Chừng hai tiếng lênh đênh trên biển, chúng tôi tới nơi đặt lồng. Tắt máy, ông Dũng neo ghe rồi bắt đầu “thu hoạch”. Hằng ngày vợ chồng ông kiếm được 300.000 - 500.000 đồng, trúng mánh thì 1 triệu đồng nhưng có hôm chỉ trăm ngàn, đủ tiền dầu.
Trên ghe, tay ông Dũng vẫn đều đặn kéo lồng lên, bà Mai đứng sau trút “chiến lợi phẩm” vào rổ” một ít cua, ghẹ, tôm tít, mực, còn lại phần lớn là... vỏ sò. “Biển giờ chỉ có nhiêu đó thôi. Cua ghẹ con nào con nấy nhỏ xíu, cá thì vụn vặt không loài nào giá trị lớn cả!”, ông Dũng nói.
10 giờ trưa, ghe cập cảng. Tôm cá được đổ ngay trên nền xi măng để thương lái lựa. Gom mớ cá sóc vào một góc, người phụ nữ chừng 40 tuổi trề môi: “30.000 nha bà! Cá gì nhỏ chút ai mà mua”. Nghe thế, khuôn mặt bà Mai đang đờ đẫn bỗng quyết liệt: “Mua kiểu gì vậy bà nội! Nhiêu đây phải được năm chục chứ”. Chẳng nói chẳng rằng, thương lái liền lên xe phóng đi. Trong khi đó, ông Dũng vẫn chăm chăm lựa hải sản cho vào túi ni lông theo từng loại. “Một ký ghẹ 17.000 đồng, cua 22.000 đồng/kg. Hôm nay chắc được 500.000 đồng, trừ tiền dầu còn 400.000 đồng. Mình đi bữa có bữa không nhưng thương lái lúc nào cũng... ép giá”, ông Dũng nhẩm tính.
“Uyên ương” bám biển
Bán xong mớ hải sản, hai vợ chồng ông Dũng về nhà cách đó vài trăm mét. Tắm rửa xong xuôi, bà Mai nấu nướng bữa trưa, ông Dũng nghỉ ngơi một lát rồi cặm cụi vá dập lồng bị rách. “Tui có ba đứa con. Ngoài chi tiêu hằng ngày thì ngư cụ bị hư phải sắm mới, sửa ghe... thành ra thu nhập của vợ chồng cũng đủ sống thôi”, ông vừa vá lưới vừa cho hay.
Hầu hết những ngư dân đánh bắt ven bờ chọn cách thả lưới, dùng ốc vôi câu mực và đặt dập lồng. Vợ chồng cùng lên ghe ra khơi chứ không kêu thêm bạn. Mỗi sớm tinh mơ, anh Bùi Văn Sang, 39 tuổi, lại chở vợ trên chiếc xe máy cà tàng từ xã Hòa Phú đến tận TT.Liên Hương (H.Tuy Phong) đánh bắt. Anh Sang theo nghề ngót 18 năm, 2 giờ khuya đi, 8 giờ sáng vô bờ bán cá.
Cảng Phan Rí Cửa (H.Tuy Phong) nhộn nhịp nhất vào buổi sáng và đầu giờ chiều
“Một bữa kiếm được 500.000 - 700.000 đồng, có khi trăm mấy hai trăm ngàn hông chừng. Dạo này biển động nên tôm cá ít hơn bình thường”, anh Sang nói. Con gái lớn của anh năm nay 18 tuổi làm công nhân may. Đứa con trai 14 tuổi nghỉ học và phụ bán quán nhậu. Đang tỉ mẩn cột tóc cho đứa gái út trước hiên nhà, chị Nguyễn Thị Đông, 37 tuổi, vợ anh Sang, nói với giọng đầy hy vọng: “Nó mới học lớp 2. Cả nhà sẽ ráng để nó học hành tới nơi tới chốn chứ không như anh chị nó...”.
Vợ chồng ngư dân Nguyễn Văn Phòng (42 tuổi, nhà ở xóm 9B, xã Hòa Phú) cũng vậy. Ông Phòng hằng ngày chèo thúng đi thả lưới, câu mực bằng ốc vôi và giăng câu bắt cá bớp. Bà Trần Thị Đức, 37 tuổi, vợ anh ngoài phụ chồng ra khơi còn túc trực ở cảng Phan Rí Cửa (H.Tuy Phong), tìm mua hải sản bán kiếm lời.
Nhà có ba đứa con trai, đứa lớn nhất 16 tuổi đi làm thuê ở Q.7 (TP.HCM), hai đứa nhỏ ở nhà đang học tiểu học. Ông Phòng theo nghề từ nhỏ, trước theo ghe người khác nhưng giờ sắm thúng làm riêng. Đánh bắt chủ yếu là cá đuối, cá bớp, cua, ghẹ, mỗi ngày cũng được vài trăm ngàn. “Tháng trước tui giăng câu được mẻ cá bớp, bán hơn 20 triệu đồng. Cá bớp giá 240.000 đồng/kg, nó đi theo đàn, tui câu suốt năm ngày mới bắt được gần hết. Mà đợt đó hên thôi, bây giờ chịu khó bám biển chỉ được cái là không đói chứ không ngon như hồi xưa”, ông Phòng nói. (còn tiếp)
Đầu mối hải sản ở Tuy Phong
Mỗi sáng, cảng Phan Rí Cửa (H.Tuy Phong) lại nhộn nhịp bởi ghe tàu trở về sau chuyến ra khơi. Người lấy dầu, kẻ chở đá ướp lạnh ra ghe cho chuyến đánh bắt sau. Trên bờ, nhiều đội bốc xếp hì hục khiêng hải sản (nhiều nhất là cá cơm) từ ghe tàu lên. Anh Nguyễn Văn Ứng (39 tuổi,thành viên đội bốc xếp ở cảng) cho hay vác 1 tấn cá cơm được chủ tàu trả 100.000 đồng. “Đội của tui có 10 người, một bữa kiếm chừng 200.000 đồng nhưng có khi chỉ... 20.000 đồng”, anh nói.
Ngoài ra, bến sò (xóm 20, thôn Hà Thủy 2, xã Chí Công) là nơi tập trung nhiều sò nhất vùng. Thợ lặn ra khơi lúc rạng sáng, xế chiều về bờ. Mỗi chuyến, họ bắt được 50 - 80 kg. Các loại sò huyết, sò lông được bán cho thương lái với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg, riêng sò dương giá hơn 100.000 đồng/kg.
Bà Mai Thị Hoa, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ xã Chí Công cho biết bến sò đã hình thành trên 30 năm. Thôn có hơn 400 hộ dân, hầu hết đàn ông làm nghề lặn sò, phụ nữ mua bán sò...
Liều mình vượt sóng ra khơi bất chấp biển động
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.