Trao đổi với PV Thanh Niên vào chiều tối 16.9, một lãnh đạo Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM (Ban ATTP TP.HCM) cho biết thông tin "nên từ bỏ coi thịt chó là thực phẩm" đăng trên trang web của Ban chỉ là một góc nhìn của Phòng Quản lý chất lượng (thuộc Ban), chứ không phải là thông báo hay khuyến cáo của Ban ATTP TP.HCM.
Trước đó, ngày 6.9, trên trang chủ của Ban ATTP TP.HCM xuất hiện một bài viết với tiêu đề "Sử dụng thịt chó làm thực phẩm - Thói quen nên từ bỏ".
Nội dung của bài viết cho biết "Việc sử dụng thịt chó làm thực phẩm trong điều kiện nuôi, giết mổ, bảo quản như hiện nay, nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm là rất cao, thậm chí gây tử vong nếu sử dụng thịt chó bị nhiễm bệnh dại hoặc những vi sinh vật gây bệnh khác".
Phần tác giả của bài viết được ghi rõ là Phòng QLCL (Quản lý chất lượng) thuộc Ban ATTP TP.HCM. Nguồn tài liệu tham khảo cũng được ghi rõ gồm: Luật Thú y; bài viết "Hà Nội vận động không ăn thịt chó: Ai ủng hộ" đăng trên Báo Tiền Phong; bài viết "Hậu quả khó lường khi nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo" đăng trên trang web của Viện sốt rét ký sinh trùng côn trùng Quy Nhơn.
Thông tin từ bài viết "Sử dụng thịt chó làm thực phẩm - Thói quen nên từ bỏ" nhanh chóng được "hiểu" là Ban ATTP TP.HCM ra khuyến cáo "không ăn thịt chó".
Trước đó, vào tháng 9.2018, UBND TP.Hà Nội ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn TP.
Bên cạnh việc quản lý chặt các cơ sở giết, mổ, kinh doanh thịt chó, mèo, UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu chính quyền cấp dưới tuyên truyền về nguy cơ và tác hại mắc các bệnh truyền nhiễm (bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả...) khi sử dụng thịt chó, mèo để người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen sử dụng các loại thịt này.
Cũng trong tháng 9.2018, nhiều địa phương tại TP.HCM tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các quán ăn, trong đó có các quán bán thịt chó.
Bình luận (0)