Ông chủ trẻ của chuỗi cửa hàng bánh mì que Hội An
Quê ở vùng biển nghèo Tam Tiến (H.Núi Thành, Quảng Nam), từ nhỏ chàng trai Nguyễn Thành Đạt không ngừng nuôi dưỡng đam mê trở thành một doanh nhân thành đạt.
Thương hiệu bánh mì que Hội An do Nguyễn Thành Đạt làm chủ |
Đ.T |
“Chỉ cần có đam mê và quyết tâm dám nghĩ dám làm, mọi nỗ lực của bản thân sẽ luôn được đền đáp xứng đáng”, Đạt mở đầu câu chuyện.
Chính những suy nghĩ này đã nuôi dưỡng đam mê, truyền cảm hứng cho Đạt với hành trình khởi nghiệp thành công bằng nghề kinh doanh bánh mì que Hội An.
Theo Đạt, quê nhà có thương hiệu bánh mì Phượng Hội An (TP.Hội An) nổi tiếng, không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn xa ra tận các nước trên thế giới. Đây chính là nguyên nhân dẫn anh đến với quyết định mở quán bán bánh mì để kinh doanh, kết hợp vừa học vừa làm. Tuy nhiên, khi anh đưa ý tưởng này ra bàn với ba mẹ thì không nhận được sự đồng ý.
“So với công việc kinh doanh thì ba mẹ lại mong muốn tôi trở thành một kỹ sư cầu đường hơn. Nên khi vừa trao đổi ý tưởng, tôi đã bị ba mẹ khước từ ngay. Tuy nhiên, để chứng minh cho ba mẹ thấy lựa chọn của mình là đúng đắn, tôi đã quyết tâm liều một phen. May mắn thay, đến thời điểm này quyết định đó đã đúng”, Đạt cười nói.
Một trong chuỗi cửa hàng bánh mì que Hội An của Đạt tại TP.HCM |
Đ.T |
Trong giai đoạn đầu kinh doanh, Đạt rủ thêm bạn bè nhưng không ai dám làm. Để có kinh nghiệm, chàng trai trẻ đã xin bán hàng cho một cửa hàng bánh mì ở TP.HCM. Cuối năm 2020, Đạt quyết định mở cửa hàng, tạo dựng cơ ngơi nhỏ đầu tiên của riêng mình tại đây.
“Khi quyết định mở cửa hàng bánh mì que Hội An đầu tiên thì bản thân tôi khá may mắn khi được các anh chị tin tưởng cho vay vốn kinh doanh”, Đạt nói.
Tạo dựng thương hiệu ngay tại quê nhà
Giải thích về tên thương hiệu, Đạt cho hay bánh mì Hội An là món ăn đường phố rất nổi tiếng nên khi để tên “Bánh mì que Hội An” sẽ thu hút được lượng lớn khách hàng. Sản phẩm bánh mì que có giá từ 10.000 – 15.000 đồng/bánh. Có những ngày, một cửa hàng bán được từ 200 - 250 chiếc bánh mì que.
Mỗi chiếc bánh mì que Hội An có giá từ 10.000 - 15.000 đồng |
đ.t |
Để tạo thương hiệu riêng cho bánh mì que Hội An, chàng trai trẻ đã đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều loại bánh mì từ đó tìm ra công thức riêng cho mình. Không chỉ giúp mình kiếm nguồn thu nhập, các cửa hàng bánh mì que Hội An của Đạt còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Bước đầu kinh doanh khá thành công, thế nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, chuỗi cửa hàng bánh mì que Hội An của Đạt phải đóng cửa, dừng hoạt động từ tháng 6.2021. Lúc đó, Đạt trở về quê nhà.
Nhận thấy ở quê chưa có nơi nào cung cấp loại thực phẩm này, Đạt lên kế hoạch mở các cửa hàng bánh mì que Hội An. Với kinh nghiệm kinh doanh từ lúc ở TP.HCM, Đạt đã mở được 3 cửa hàng bánh mì que tại xã Tam Tiến.
"Đầu năm 2021, tôi thành lập Công ty TNHH Thành Đạt Food Việt Nam tại TP.HCM, hiện đã sở hữu trong tay chuỗi 10 cửa hàng. Trong đó, 7 cửa hàng ở TP.HCM và 3 cửa hàng ở quê nhà. Trước đây, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, chưa trừ chi phí, mỗi cửa hàng tại TP.HCM cho doanh thu gần 30 triệu đồng/tháng", Đạt bật mí.
Nguyễn Thành Đạt (đầu tiên từ phải qua) khai trương thêm cửa hàng bánh mì que Hội An tại xã Tam Tiến |
đ.t |
Nói về dự định trong tương lai, Đạt cho biết sau khi kết thúc chương trình đại học hệ 5 năm, anh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh với mong muốn thương hiệu bánh mì que Hội An sẽ được biết đến ở nhiều nơi trên toàn quốc.
Chàng trai trẻ luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với các bạn trẻ. “Việc làm càng khó thì mình nghĩ các bạn trẻ càng nên cố gắng để thử với suy nghĩ nỗ lực hết mình. Làm kinh doanh thì phải liều mới may mắn tìm được thành công cho riêng mình. Dám nghĩ, dám làm thì chắc chắn sẽ nhận lại quả ngọt”, ông chủ trẻ của chuỗi cửa hàng bánh mì que Hội An trải lòng.
Bình luận (0)