Ban Bí thư chỉ thị gỡ 'thẻ vàng' trong năm 2024

11/04/2024 17:18 GMT+7

Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành chỉ thị yêu cầu các cấp ủy tổ chức đảng, người đứng đầu ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo tạo sự thống nhất, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' trong năm 2024.

Ngày 10.4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai thay mặt Ban Bí thư ký, ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy  sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Ban Bí thư yêu cầu xử nghiêm các vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, quyết tâm gỡ

Ban Bí thư yêu cầu xử nghiêm các vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, quyết tâm gỡ "thẻ vàng" trong năm nay

THANH QUÂN


Chỉ đạo chưa quyết liệt, xử lý vi phạm chưa nghiêm

Ban Bí thư ghi nhận, những năm qua, ngành thủy sản phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 30% GDP của ngành nông nghiệp; sản phẩm xuất khẩu đến 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ ba thế giới. Ngành đang giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Từ năm 2017 đến nay, các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, giảm dần số vụ vi phạm. 

Tuy nhiên, ngành thủy sản phát triển chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu, chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác IUU; xử lý vi phạm chống khai thác IUU còn hạn chế.

Ban Bí thư cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ, chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, còn chủ quan, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, hiệu quả tổ chức thực hiện chống khai thác IUU chưa cao.

Cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân, doanh nghiệp còn hạn chế; cơ sở hạ tầng nghề cá và việc kiểm soát hoạt động tàu cá, sản lượng khai thác, truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, phối hợp, phát hiện, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa thường xuyên, đồng bộ.

Trong chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Trong đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "thẻ vàng" trong năm 2024. Các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế với các nước châu Âu và EU, tăng cường biện pháp ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo "thẻ vàng".

Giám sát  100% sản lượng thủy sản khai thác

Chỉ thị của Ban Bí thư cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, bổ sung chế tài xử lý nghiêm vi phạm; tăng cường quản lý tàu cá, tàu công vụ thủy sản, cảng cá, đội tàu; xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá không giấy phép, không đăng ký, không đăng kiểm; thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. 

Ban Bí thư yêu cầu bảo đảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển; giám sát được 100% sản lượng thủy sản khai thác trên biển, tại cảng; không có sản phẩm bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.

Các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi pháp luật, xử lý triệt để các hành vi vi phạm; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu.

Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước thu thập hồ sơ, tài liệu, bản án, quyết định xử lý của nước sở tại đối với tàu cá, ngư dân vi phạm để phục vụ công tác điều tra, xử lý và bảo hộ công dân; kịp thời đấu tranh ngoại giao đối với việc tàu cá, ngư dân Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý tại những vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định với các nước.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.