Bán Bích cổ lũy ngày gió qua

27/06/2020 08:22 GMT+7

Thứ bảy. Rẽ vào đường Âu Cơ một đoạn, tôi băng qua đường Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú) thênh thang để đi về công viên văn hóa Đầm Sen. Nghe có gió vi vút thổi, như đã từng hơn 250 năm qua...

“Nửa vầng trăng” thuở ấy…

Ở bài trước, khi đề cập đến chuyện bà Nghè Nguyễn Thị Khánh xây cầu và lập chợ Thị Nghè, tôi có nhắc đến người em trai của bà, là quan Tổng suất Nguyễn Cửu Đàm. Cả hai đều là con của quan Cai cơ Nguyễn Cửu Vân dưới thời chúa Nguyễn. Có một số sử liệu ghi rằng, Nguyễn Cửu Đàm là quan đốc chiến hoặc thống suất nhưng theo học giả Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược, thì ông giữ chức quan tổng suất, người đã cùng cha phò chúa những năm đầu dựng nghiệp. Điều khó chối cãi, Nguyễn Cửu Đàm chính là người xâp đắp nên lũy Bán Bích (tên chữ còn gọi là Bán Bích cổ lũy) vào các năm 1771 - 1772, dài 8,5 km nối địa giới hai huyện Bình Dương và Tân Long của đất Gia Định xưa.
Lũy này nhằm ngăn chặn quân các nước có biên giới phương Nam với nước ta đôi khi kéo qua quấy phá, đặc biệt là quân Xiêm La. Lũy nằm giáp ba mặt sông và là một vòng cung bằng đất, hình dáng như một nửa vầng trăng, nên mới được gọi là bán bích.
Sử gia Trần Trọng Kim ghi lại một giai đoạn rất căng thẳng, rối ren của vương triều Chân Lạp dạo ấy do quân Xiêm La (sách ghi là Tiêm La) liên tục quấy phá, chúa Nguyễn phải mấy lần sai quan Cai cơ Nguyễn Cửu Vân dẫn quân đánh dẹp nhưng giằng co suốt mấy chục năm trời. Sau khoảng gần 60 năm, vương triều Chân Lạp tiếp tục qua cầu cứu vì bị Xiêm La quấy nhiễu, nên chúa Nguyễn lại phải sai con trai thứ 5 của quan cai cơ lĩnh quân đi đánh mới yên.
Trần Trọng Kim mô tả giai đoạn này như sau: “Tháng 6 năm 1772, chúa Nguyễn sai quan tổng suất là Nguyễn Cửu Đàm lĩnh chức điều khiển đem binh thuyền đi đánh quân Tiêm La. Quân của Nguyễn Cửu Đàm tiến sang đến Nam Vang, quân Tiêm La bỏ chạy về Hà Tiên, Nặc Non cũng về Cầu Bột. Nặc Tôn lại về làm vua Chân Lạp”(Việt Nam Sử Lược, trang 341).
Từ đó, phía Nam Vang, thủ phủ nước Chân Lạp được định yên, và phên dậu của phương Nam nước ta khoảng vài chục năm người dân được sống trong cảnh thanh bình, cho đến khi xảy ra cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn.
Không chỉ có công giúp định yên Chân Lạp, Nguyễn Cửu Đàm còn được xem là nhà quy hoạch đầu tiên của Sài Gòn, khi đắp lũy án ngữ, tạo ra một vành đai bố phòng với nhiều đồn canh giữ những nơi hiểm yếu cho thành Phiên An (tên gọi đầu tiên của thành Gia Định). Gần 150 năm sau, qua bao tao loạn diễn ra trên dải đất phương Nam, cho đến năm 1915, người Pháp khi chiếm Nam Kỳ mới xây dựng ở Sài Gòn một con đường dài và đặt tên là Hương lộ 14. Cái tên này kéo dài 84 năm, đến năm 1999, TP.HCM mới chính thức đặt tên con đường là Lũy Bán Bích, thuộc địa bàn Q.Tân Phú, đi qua các phường của quận này là phường Hiệp Tân, Hòa Thạnh, Tân Thành và Phú Thọ Hòa. Tên của vị tướng, danh nhân Nguyễn Cửu Đàm cũng đã được đặt cho một con đường gần đó, thuộc P.Tân Sơn Nhì cùng quận.

…và trục lộ sầm uất

Ngày 3.8.2006, với Quyết định 3543, UBND TP.HCM đã điều chỉnh lộ giới đường Lũy Bán Bích, đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Kênh Tân Hóa lên 23m. Con đường chính của Q.Tân Phú được mở rộng, xây dựng và hoàn thành năm 2014, là một con đường thoáng và đẹp. Nhưng nhiều năm trước đó, nhiều buổi tôi được một vị lãnh đạo quận mời dùng trà và tâm sự về chuyện khó khăn khi giải tỏa để mở rộng đường. Trong câu chuyện, qua mỗi ngụm trà sáng, khi kể mỗi lúc có đoạn đường nào được nới ra dăm bảy mét, lại thoáng nghe trong giọng vị lãnh đạo có vẻ hồ hởi hơn lên!
Bởi hơn 17 năm trước, Q.Tân Bình trước khi tách là một quận đông dân nhất nước, với số lượng nhân khẩu lên đến hơn 700.000 người. Khi tách ra thành hai quận Tân Bình và Tân Phú vào năm 2003, điều chắc chắn tính đến, là phải mở rộng đường. Q.Tân Phú lúc này với những con đường nhỏ hẹp, nên để tính đến chuyện phát triển và dung chứa một số lượng dân cư đổ dồn về, ngụ ở rất nhiều khu đất chưa được khai thác, ngoài việc mở rộng con đường vành đai trực chỉ ra QL1A là đại lộ Lê Trọng Tấn (tên cũ là Hương lộ 13), thì đường Lũy Bán Bích phải được mở rộng hơn, vì đây là con đường xuyên về Q.11, qua đó nối thông với hướng Q.6 để về xa cảng Miền Tây. Với tư duy quy hoạch ấy, nên sau đó nơi đây đã trở thành một trục lộ sầm uất dài 4,8 km, hóa giải được tình trạch ách tắc cho không chỉ Q.Tân Phú, mà cả với người dân Q.Tân Bình, dù việc giải tỏa và xây dựng kéo dài đến 8 năm, thời điểm ấy tổng vốn thi công xây dựng là 10 triệu USD!
Mỗi khi đi qua con đường này, vẫn thấy có những nhánh đường rẽ ngang có tên gọi in dấu ấn địa phương thuở xưa như Vườn Lài (vùng đất trồng nhiều cây hoa lài), hoặc tên của vị danh nhân với nhiệt huyết canh tân đất nước như Nguyễn Trường Tộ xen lẫn với những cái tên gợi lại một giai đoạn đồng lòng khởi nghĩa chống Pháp của người dân Nam bộ như Đoàn Kết, Thành Công, Độc Lập…Và rất nhiều siêu thị, cửa hiệu, salon xe hơi, nhiều nhà hàng có món ăn ngon nổi tiếng, mà nhiều bạn trẻ đã đưa lên các trang mạng để ngợi ca về một nơi có thể đến và vui chơi thưởng ngoạn mỗi cuối tuần.

Gió vẫn thổi qua cổ lũy!

Thực ra, nếu định danh thành lũy dạo ấy do Nguyễn Cửu Đàm chỉ huy xây đắp, quan sát theo bức địa đồ Gia Định do Trần Văn Học, một võ tướng nhà Nguyễn giỏi chữ Quốc ngữ và tiếng Latin vẽ mô phỏng lại từ năm 1815, sau đó nhà sử học Nguyễn Đình Đầu thêm vào một số địa danh gốc và Việt hóa, thì vị trí lũy Bán Bích kéo dài từ rạch Bến Nghé đến rạch Thị Nghè và vòng qua Cầu Bông, Tân Định, bọc luôn cả khu vực Hòa Hưng lên đến Tân Bình và điểm cuối là Tân Phú.
Các địa danh này xưa kia thuộc tổng Bình Trị Trung (quận 1 và Bình Thạnh ngày nay) và tổng Dương Hòa Thượng (quận 10, Tân Bình, Tân Phú ngày nay), thành một vòng cung vành đai, tạo ra cho địa thế Sài Gòn như một “hòn đảo” biệt lập bất khả xâm phạm, có diện tích tự nhiên khá lớn. Nhìn qua bản địa đồ này, với chú giải Bán Bích cổ lũy rõ ràng, mới thấy tư duy quy hoạch, tài thao lược và tầm nhìn quân sự của người thiết kế, xây dựng.
Cạnh đó, bản địa đồ còn vẽ cả một con đường thẳng từ trung tâm Sài Gòn trực chỉ ngược lên phía tây, xuyên qua phủ Tân Bình và ghi chú thích: đường thiên lý đi Nam Vang. Còn để xuôi ra phía bắc thì điểm bắt đầu từ cầu Thị Nghè, băng qua cầu Sơn (Q.Bình Thạnh ngày nay), có chú thích rõ ràng: đường thiên lý đi Huế-Thăng Long!
Ngẫm lại từ những kiến giải về lịch sử, địa lý người xưa để lại, càng thấy có một Sài Gòn trải biết bao thăng trầm, như đã từng xảy ra trong nhiều giai đoạn. Nhưng cái tâm thức vào buổi sáng thứ bảy ấy, khi đi trên đường Lũy Bán Bích để đến với lễ trao giải cuộc thi Thành phố tôi yêu do Báo Thanh Niên tổ chức, niềm rộn ràng hiện tại như luôn kéo ngược tôi về quá khứ oai hùng với hình ảnh của những người đi mở đất và giữ đất năm xưa, vẫn đầy lên trong các trang sử. Cha ông chúng ta đã tạo dựng nên một thành phố phương Nam xinh đẹp và trao lại cho con cháu ngày nay. Mà đôi khi, tôi cứ tưởng chừng như một bộ phận lớp hậu nhân đã quên đi điều đó.
Nhưng không, khi thấy hiện diện trong buổi lễ hôm ấy với những gương mặt tràn trề sức sống và ngời lên ý chí xây dựng trong đôi mắt của hàng trăm người trẻ hội tụ về đây, là sinh viên ở nhiều trường đại học, tôi càng vững tin rằng ngọn gió thổi qua cổ lũy ngày trước sẽ còn mãi lướt qua họ, như thầm nói rằng phải luôn nhớ lời nhắc nhở của bậc tiền nhân!
Ngoài việc xây dựng lũy Bán Bích, quan Tổng suất Nguyễn Cửu Đàm còn là người có công chỉ huy đào con kênh dài gần 3 km, khai thông thủy lộ kết nối vùng Sài Gòn - Chợ Lớn với miền Tây Nam bộ qua hướng Long An. Con kênh này nối từ kênh Tàu Hủ ra sông Rạch Cát, thẳng như ruột ngựa nên gọi là kênh Ruột Ngựa (Mã Trường Giang) dài gần 3 km, thuyền bè đi lại dễ dàng hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.