May mắn được khách ủng hộ, có thời điểm chị chủ sợ… khách đông vì không còn đủ nguyên liệu cho một phần canh bún để bán cho khách.
10.000 đồng cũng bán
Đầu giờ trưa, tôi len qua con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ, vào khu chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3, TP.HCM). Khu chợ có thâm niên hàng thập kỷ, hàng quán bán đồ ăn, đồ uống… rất nhộn nhịp.
Chen qua đoạn được chật ních người và xe, tôi ghé quán canh bún của chị Ngọc Hương. Hơn 10 giờ, quán bắt đầu mở bán. Chị chủ cùng người con trai duy nhất tất bật làm những phần canh bún cho khách ăn tại chỗ cũng như mang đi, trong không gian chợ nhộn nhịp người ra người vào, cười nói rôm rả.
Quán ăn nhỏ, cũng là nhà nơi 3 thành viên trong gia đình của chị Hương ở. Từ ngày theo chồng về làm dâu, chị đã ở trong khu chợ này. Người quen thì đều biết bà chủ mới mở quán canh bún này hơn 1 nay thôi, sau dịch Covid-19.
Sở dĩ chị chọn món này, bởi cách làm không quá cầu kỳ, giá thành bán rẻ phù hợp với người lao động trong chợ. Từ người bán cá, chuyển qua bán đồ ăn, ban đầu với chị Hương có phần khó khăn. Nhưng nhờ tinh thần học hỏi, tìm tòi luôn lắng nghe ý kiến khách và biết thay đổi, chị chủ đã có được công thức nấu chỉn chu như hiện tại.
Canh bún của chị Hương được nhiều khách đồn có món ốc ngon hết sẩy, dai giòn sần sật. Những ngày đầu mở bán, chị sợ… khách đông, vì những ngày đó khách tới sớm thì có món ốc để ăn, tới trễ thì hết ốc nên chị ngại vô cùng.
“Lúc đó, tôi chỉ cầu cho khách tới đều đặn là mình vui. Khách tới mà không có món khách thích thì kỳ lắm. Sau này mình có nguồn ốc ổn định rồi, khách cũng đều đặn nên cũng không sợ khách đông như trước, khách đông thì mình mừng thôi", chị cười, nói vui.
Bỏ nghề bán cá đã gắn bó 20 năm, chị chủ bán món canh bún.
CAO AN BIÊN
Ở đây, giá mỗi tô canh bún trung bình từ 30.000 - 50.000 đồng, tùy nhu cầu. Tuy nhiên, nếu khách muốn ăn tô 20.000 đồng, 10.000 đồng thì chị cũng bán. Chị chủ cũng nói nếu khách thích ăn gì, không thích ăn gì, cứ nói, chị đều chiều khách tối đa.
Cả nhà cùng bán
Bụng đói, tôi gọi một tô canh bún đầy đủ giá 40.000 đồng để ăn. Tôi nghe nhiều người nói tô canh bún của quán đảm bảo 3 tiêu chí “ngon - bổ - rẻ", nhưng hôm nay mới có dịp xác thực. Một chốc, tô bún nóng hôi hổi được dọn lên bàn, bốc khói thơm phức, hấp dẫn.
Trong tô canh bún đầy chả cua đồng, chả quế, đậu hũ, ốc, rau muống… hòa quyện với phần nước lèo thanh thanh, ngọt nước. Ăn kèm cùng mắm tôm hoặc một vài loại nước chấm có ở quán, tôi thấy hương vị ở đây chưa thể gọi là xuất sắc, nhưng vừa vặn cho một bữa ăn bình dân, giữa trưa ngay chợ TP.HCM. Cá nhân tôi chấm 8/10.
Cả gia đình chị Hương đều sống dựa vào quán ăn này. Trong nhà, mỗi người đều đảm nhận công việc riêng. Chị làm món, bán. Con trai phụ mẹ, kiêm luôn shipper. Chồng chị thì nhiệm vụ rửa chén sau mỗi buổi bán.
Anh Chí Khang (34 tuổi, ngụ Q.3) cho biết vì nhà gần chợ Nguyễn Văn Trỗi nên hầu như mỗi lần thèm không biết ăn gì là anh lại đi xe qua quán chị Hương, khi thì ăn tại chỗ, cũng có lúc mua mang về.
“Thường, một tuần tôi ăn 3 - 4 lần. Quán hồi xưa bán 11 giờ rưỡi, giờ 10 giờ bán rồi. Cái tôi thích nhất ở đây là nước lèo với ốc, ăn ngon. Mà giá ở đây cũng rẻ. Có khi mua tô bún chỉ có chả cua thôi, chừng 20.000 đồng thì chị chủ cũng bán”, vị khách nhận xét.
Niềm hạnh phúc của chị Hương chính là mỗi ngày được bán quán ăn này cùng với chồng và con trai duy nhất của mình, là mỗi ngày được mang những tô bún ngon nhất cho khách. Thấy nụ cười hài lòng của khách, thấy khách ghé ăn rồi thành “mối ruột", chị lại có động lực để tiếp tục công việc. Quán ăn của chị Hương góp thêm một chút hơi thở nhộn nhịp, nơi chợ Nguyễn Văn Trỗi.
Bình luận (0)