Bàn cách tăng công suất Tân Sơn Nhất

18/08/2017 07:23 GMT+7

Nếu kéo giảm tần suất cất hạ cánh xuống còn 2 phút/chuyến như nhiều nước trong khu vực thì có thể đưa công suất sân bay tăng gấp đôi (từ 25 triệu lượt khách/năm lên 50 triệu lượt khách/năm) mà không cần đầu tư nhiều.

Ý kiến cho rằng "thay đổi quy trình vận hành quản lý có thể nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên gấp đôi chỉ trong 6 tháng" của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Bùi Quang Vinh, đang gây nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Cụ thể, theo ông Bùi Quang Vinh, hiện tại tần suất cất hạ cánh tại sân bay này là 5 - 7 phút/chuyến. Nếu kéo giảm xuống còn 2 phút/chuyến như nhiều nước trong khu vực thì có thể đưa công suất sân bay tăng gấp đôi (từ 25 triệu lượt khách/năm lên 50 triệu lượt khách/năm) mà không cần đầu tư nhiều.
Tần suất bay đã ngang với các nước
Đồng tình với ý kiến của ông Bùi Quang Vinh, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia kỹ thuật hàng không, dẫn chứng vào giữa năm 2015, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh lúc đó cho biết tần suất lớn nhất của Tân Sơn Nhất (TSN) là 29 chuyến/giờ.
Tuy nhiên, con số này bây giờ đã tăng lên 36 chuyến/giờ và vào khung giờ cao điểm (từ 16 - 19 giờ) là 38 - 40 chuyến/giờ. Như vậy, ý kiến của ông Bùi Quang Vinh về việc tăng tần suất cất hạ cánh để tăng năng suất lên tương ứng là lập luận đúng về khả năng của 2 đường băng cất hạ cánh hiện nay.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nhận định về mặt lý thuyết thì tần suất này có thể tăng lên trên 50 chuyến/giờ nhưng tần suất thực tế không cao là do việc vận hành quản lý sân bay.
Cụ thể, để lượt cất, hạ cánh của 2 máy bay cách quá xa nhau, máy bay này cất cánh một thời gian dài mới cho máy bay khác xuống, chỉ những giờ cao điểm mới tăng công suất còn những giờ khác bỏ trống không dùng.
“Hoàn toàn có thể điều chỉnh việc vận hành quản lý sân bay để tăng tần suất ngoài giờ cao điểm lên gần với tần suất giờ cao điểm, tăng số chuyến cất hạ cánh hằng ngày lên trên 800 chuyến và tăng tổng số chuyến cất hạ cánh trong một năm lên con số 300.000. Như vậy, năng suất có thể tăng lên tương ứng khoảng 40 triệu khách/năm mà không cần đầu tư nhiều”, ông Nguyễn Thiện Tống phân tích.
Tuy nhiên, PGS-TS Tống cũng lưu ý việc tăng tần suất cất, hạ cánh đơn thuần chỉ có thể thực hiện ở mức độ vừa phải và cũng chỉ giúp tăng năng suất lên ở mức độ vừa phải tương ứng chứ không thể tăng năng suất lên trên 50 triệu khách/năm mà không đầu tư xây dựng thêm nhà ga, sân đỗ, đường lăn...


Tăng công suất chắc chắn sẽ nghẹt dưới mặt đất nên bắt buộc phải xây thêm nhà ga, đường lăn và cần nhiều diện tích đất để làm thêm sân đỗ

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống


Thế nhưng TS Lương Hoài Nam cho biết tính bình quân cả 24 giờ/ngày thì sân bay TSN hiện tại đã đạt số lượt cất, hạ cánh 2 phút/chuyến rồi (hơn 700 chuyến/ngày). Số lượng chuyến bay phân bổ không đều, có giờ cao điểm, giờ thấp điểm, số chuyến bay trong các khung giờ cao điểm đang là 38 - 40 - 42 chuyến/giờ, bình quân trên dưới 1,5 phút/chuyến. Mức này là đã tương đương với mức trung bình của các nước trong khu vực. TS Lương Hoài Nam nói thêm: “Tôi biết Cục Hàng không và các cơ quan liên quan hiện đang nghiên cứu nhiều giải pháp đồng bộ để tiếp tục tăng năng lực điều hành cất, hạ cánh, hy vọng có thể tiệm cận mức 1 phút/chuyến (khoảng 60 chuyến) vào các giờ cao điểm”.
Đồng tình ý kiến cần hiện đại hóa thủ tục check-in hành khách (thủ tục lên máy bay), hành lý bằng các giải pháp công nghệ để hành khách tự check-in, tự gửi hành lý và nhận thẻ lên máy bay vì “đây là xu thế chung của các sân bay trên thế giới” nhưng theo ông Lương Hoài Nam, việc hoàn thiện quy trình vận hành sân bay bằng các giải pháp công nghệ có thể giúp tăng công suất nhà ga song cũng chỉ ở một mức độ nhất định. Bởi ngoài cửa xuất nhập cảnh tự động còn thiếu thì các khâu kiểm tra hải quan, công an cửa khẩu, an ninh hàng không ở TSN hiện nay không có nhiều khác biệt so với các sân bay hiện đại trên thế giới.
Phải mở rộng mặt đất
Tần suất bay có thể tăng nhưng nếu không giải được bài toán ùn tắc ở mặt đất thì cũng không giải quyết được vấn đề của TSN. Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, hiện sân bay TSN đang thiếu sân đỗ trầm trọng khiến máy bay hạ cánh phải chạy dài trên đường lăn, không đỗ được. “Tăng công suất chắc chắn sẽ nghẹt dưới mặt đất nên bắt buộc phải xây thêm nhà ga, đường lăn và cần nhiều diện tích đất để làm thêm sân đỗ”, ông Tống nhấn mạnh
Đồng quan điểm, TS Lương Hoài Nam khẳng định để có thể tăng được công suất thiết kế của sân bay TSN lên gấp đôi, không chỉ đầu tư hạ tầng bên trong mà ngoài sân bay cũng phải nâng cấp đáng kể các đường giao thông kết nối với thành phố để giảm thiểu kẹt xe.
Cụm nhà ga T1, T2, đường Trường Sơn và cặp đường Hồng Hà - Bạch Đằng theo quy hoạch gần nhất của Cảng hàng không quốc tế TSN là cho công suất 25 triệu khách/năm, nhưng năm ngoái đã phục vụ 32 triệu khách, năm nay dự kiến hơn 36 triệu khách và năm 2018 sẽ đạt trên dưới 40 triệu khách, không thể tránh khỏi bất cập.

tin liên quan

Tân Sơn Nhất khó hết kẹt xe
Dù đã có cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn và nhánh đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (Q.Tân Bình, TP.HCM) nối thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất vừa hoạt động, tình trạng kẹt xe ở khu vực cửa ngõ sân bay vẫn liên tục xảy ra.
Vì vậy, nên triển khai sớm việc xây nhà ga hàng không lưỡng dụng (T3) và cụm đường giao thông liên quan đến nhà ga này. Nhà ga T3 đã được quy hoạch, thiết kế hoàn chỉnh với công suất 9,8 triệu hành khách/năm (cả nội địa và quốc tế), sẽ được xây trên nền ga quân sự cũ. Song song, mở tuyến đường Phan Thúc Duyện nối dài - 18E - F370 - nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh tạo tuyến song song với đường Cộng Hòa, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám để kết nối với nhà ga T3.
“Đây đều là những dự án đã có trong quy hoạch, hoàn thành sớm sẽ giải quyết đáng kể tình trạng quá tải TSN và kẹt xe ra vào sân bay trong khi chờ kết quả quy hoạch mới liên quan đến việc xây nhà ga, sân đỗ, đường lăn bổ sung”, TS Lương Hoài Nam nhận định.
Bổ sung dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vào danh mục công trình trọng điểm giao thông
Ngày 17.8, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT để kiểm điểm tình hình và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng yêu cầu bổ sung các dự án mở rộng cảng hàng không TSN và đường bộ cao tốc bắc - nam vào danh mục các dự án, công trình trọng điểm ngành GTVT. Trong danh mục này, ngành đường sắt có 7 dự án với tổng mức đầu tư 195.444 tỉ đồng, điển hình là tiểu dự án đường sắt Hạ Long - Cái Lân thuộc dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Ngành hàng hải, đường thủy nội địa có 4 dự án, tổng mức đầu tư 49.422 tỉ đồng, trong đó có 3 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Dự án cảng Lạch Huyện (tổng mức đầu tư 1.515 tỉ đồng) đang được triển khai. Ngành hàng không có 3 dự án trong danh mục công trình trọng điểm, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 356.000 tỉ đồng. Trong đó, 2 dự án đã hoàn thành là cảng hàng không Phú Quốc và nhà ga quốc tế T2 Nội Bài.
Phó thủ tướng giao ngành GTVT khẩn trương hoàn thiện phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc bắc - nam (phía đông), đặc biệt là phương án đầu tư các dự án khu vực ĐBSCL, báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14.
Đồng thời, Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị để khởi công 17 dự án thành phần sử dụng vốn dư (lần 2); đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bộ Xây dựng sớm triển khai đề án “hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng” để nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình xây dựng nói chung và công trình giao thông nói riêng, chống thất thoát, lãng phí; phối hợp với Bộ GTVT ưu tiên xác định suất đầu tư của 1 km đường cao tốc, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định làm cơ sở áp dụng, vận dụng trong triển khai dự án đường cao tốc bắc - nam.
Chí Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.