Đó là khuyến cáo của ngành BHXH trước vấn đề đáng quan tâm hiện nay là khá đông người lao động nhận thanh toán trợ cấp BHXH một lần.
Trong vài năm gần đây, số người thanh toán nhận trợ cấp BHXH một lần tại Đắk Lắk có số lượng khá lớn, có chiều hướng ngày càng tăng. Theo thống kê của Phòng Chế độ BHXH - BHXH tỉnh Đắk Lắk, năm 2018 toàn tỉnh có 6.654 người nhận trợ cấp BHXH một lần, với tổng số tiền gần 176 tỉ đồng; năm 2019 là 6.756 người với hơn 200 tỉ đồng. Năm 2020, tính đến ngày 14.5, con số là 2.964 người, với 93 tỉ đồng. Ông Lê Quang Tiệm, Trưởng phòng Chế độ BHXH, cho biết bình quân mỗi tháng Phòng giải quyết thủ tục trợ cấp BHXH một lần từ 400 - 500 hồ sơ, phần lớn là người lao động (hộ khẩu tại Đắk Lắk) từ các địa phương ngoài tỉnh về. Qua thống kê, phần lớn những lao động đã tham gia đóng BHXH từ 1 - 5 năm, nhưng cũng có nhiều trường hợp đóng BHXH từ 10 năm trở lên; có những người đã đóng trên dưới 15 năm nhưng vẫn muốn thanh toán một lần. Chẳng hạn, anh H.V.T (37 tuổi), từng công tác tại một doanh nghiệp bảo hiểm, đã đóng BHXH 10 năm 3 tháng, khi thanh toán nhận hơn 210 triệu đồng. Anh N.Đ.K (37 tuổi) đóng BHXH hơn 16 năm tại một công ty cổ phần, khi nhận trợ cấp BHXH một lần được 128 triệu đồng. Bà C.T.M (40 tuổi), từng làm điều dưỡng tại một bệnh viện, đóng BHXH gần 15 năm, nhận một lần được 106 triệu đồng…
Theo ông Tiệm, những người thanh toán BHXH một lần có nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hoặc cần thêm vốn đầu tư làm ăn kinh doanh…
Lợi trước mắt, thiệt thòi lâu dài
Ông Tiệm cũng cho biết thời gian qua, cơ quan BHXH đã tích cực tư vấn, thông tin về lợi ích của chính sách BHXH với các chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thuyết phục, vận động người lao động không thanh toán nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, nhiều lao động vẫn chọn hình thức thanh toán một lần để giải quyết khó khăn trước mắt mà chưa nhận thấy những thiệt thòi về lâu dài. Nếu nhận BHXH một lần, sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH trước đó, mà tính thời gian đóng BHXH mới, lần thứ hai, thứ ba tiếp đó. “Như vậy, người lao động mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động hoặc nếu khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu thì do thời gian đóng BHXH ít nên số tiền lương hưu sẽ thấp, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động”, ông Tiệm nói.
Theo ông Tiệm, người lao động nhận BHXH một lần cũng sẽ thiệt thòi khi có thể chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già; đến khi về già, không được hưởng hưu trí, họ phải phụ thuộc vào con cháu và xã hội… Ông Tiệm cho rằng trong trường hợp gặp khó khăn, người lao động có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ đóng của Nhà nước.
Tăng cường công tác truyền thông
Mới đây, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác truyền thông để người lao động và nhân dân thấy rõ hơn về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong việc ổn định đời sống, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, không lựa chọn BHXH một lần để cùng Nhà nước tự đảm bảo an sinh xã hội cho bản thân, nhất là khi hết tuổi lao động. Theo BHXH Việt Nam, việc cân nhắc, lựa chọn nhận BHXH một lần là điều hết sức quan trọng với người lao động, đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già.
|
Bình luận (0)