Theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật BHYT, từ ngày 1.1.2021, người tham gia BHYT khi đi KCB không đúng tuyến tại cơ sở KCB tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT chi trả điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp KCB đúng tuyến. Điều này có nghĩa người bệnh không có giấy chuyển viện vẫn được KCB, hưởng quyền lợi tại các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh…
Bà Phan Thị Cẩm Vân, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Giám định BHYT - BHXH tỉnh Đắk Lắk, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 7 BV tuyến tỉnh thông tuyến là BVĐK vùng Tây nguyên, BVĐK Thiện Hạnh, BV Trường Đại học Tây Nguyên, BV Y học cổ truyền, BV Lao và bệnh phổi, BV Tâm thần tỉnh và BV Mắt Đắk Lắk. “Qua theo dõi trong tháng 1.2021, việc triển khai việc điều trị nội trú KCB BHYT thông tuyến trên địa bàn tỉnh không có gì vướng, lượng bệnh nhân không phát sinh tăng đột biến. Bệnh nhân vẫn được đảm bảo quyền lợi, chưa có trường hợp bệnh nhân nào thắc mắc các vấn đề về thông tuyến. Thông tuyến cũng không ảnh hưởng đến việc giao dự toán chi KCB cho các cơ sở KCB vì lượng bệnh nhân không tăng nhiều”, bà Vân nhận định.
Theo bà Vân, thời gian qua, BHXH tỉnh và Sở Y tế Đắk Lắk đã phối hợp tổ chức phổ biến, tập huấn về chính sách, quy định pháp luật về KCB và BHYT; kiểm tra công tác KCB BHYT tại các cơ sở KCB, nhất là việc chỉ định điều trị nội trú; phối hợp tuyên truyền, động viên người bệnh đi khám đúng tuyến… Hai đơn vị cũng phối hợp giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong KCB BHYT, thanh toán chi phí KCB BHYT…
Nâng cao chất lượng KCB
Triển khai thực hiện việc KCB thông tuyến tỉnh, Sở Y tế Đắk Lắk cũng đã có văn bản hướng dẫn đối với các cơ sở KCB; theo đó, yêu cầu các cơ sở nâng cao chất lượng KCB; thực hiện các nội dung hướng dẫn của Bộ Y tế về mức hưởng BHYT đối với người tham gia BHYT tự đi KCB không đúng tuyến tại các BV tuyến tỉnh... Nhiều BV tuyến tỉnh trên địa bàn đã thực hiện kế hoạch tiếp đón bệnh nhân, nâng cao chất lượng KCB, tạo điều kiện cho bệnh nhân BHYT tiếp cận các dịch vụ y tế phù hợp khi KCB thông tuyến.
Theo BS Võ Minh Thành, Phó giám đốc BVĐK vùng Tây nguyên, sau khi quy định thông tuyến tỉnh có hiệu lực, để chủ động tiếp nhận lượng bệnh nhân BHYT đến KCB có thể tăng lên, BV đã sắp xếp, bố trí thêm phòng bệnh bảo đảm điều trị nội trú cho khoảng 1.900 bệnh nhân. “Về trang thiết bị, chúng tôi đã có kế hoạch bổ sung, đội ngũ bác sĩ cũng đã có tâm lý chuẩn bị. BV đã xây dựng tiêu chí nhập viện đối với bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú; phối hợp với BHXH tỉnh giải thích cho bệnh nhân hiểu đúng về KCB thông tuyến, dịch vụ nào được quỹ BHYT thanh toán, dịch vụ nào không được. Bệnh nhân cần điều trị nội trú tại BV thì mới cho nhập viện, những bệnh nào có thể điều trị ở tuyến dưới thì giải thích, giới thiệu bệnh nhân về tuyến dưới, để tránh tốn kém cho bệnh nhân, tránh tình trạng quá tải không cần thiết”, BS Thành nói.
Khuyến khích KCB đúng tuyếnNgày 23.12.2020, BHXH Việt Nam ban hành công văn số 4055/BHXH-CSYT hướng dẫn thực hiện Khoản 6, Điều 22 Luật BHYT; theo đó quy định: người tham gia BHYT tự đi KCB tại các cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh là trường hợp đi KCB không đúng tuyến nhưng được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB nội trú theo mức hưởng như đi KCB đúng tuyến, không được hưởng chế độ không cùng chi trả chi phí KCB như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật BHYT… Để người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT, trong đó có quyền lợi không phải cùng chi trả chi phí KCB thuộc phạm vi được hưởng BHYT khi đủ điều kiện, đồng thời tránh tình trạng quá tải BV, BHXH Việt Nam đề nghị các địa phương, ngành y tế và các ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi, đầy đủ về chính sách BHYT, khuyến khích bệnh nhân đi KCB đúng tuyến, đúng quy định.
|
Bình luận (0)