Giảm phụ thuộc vào thủy điện
Tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9 vừa diễn ra, các đại biểu đã tán thành thông qua đồ án quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồ án sẽ được trình Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đáng chú ý, quy hoạch chung TP (do nhà tư vấn Công ty Tư vấn Surbana Jurong lập) đã cảnh báo Đà Nẵng phải bảo vệ nguồn nước tốt cho thế hệ tương lai, thực hiện lưu trữ nguồn nước quanh năm. Vào mùa mưa sẽ giữ nước ở các hồ trên núi không cho tràn xuống gây ngập lụt; mùa nắng sẽ xả nước dự trữ từ các hồ này, đồng thời xây đập ngăn mặn ở các cửa sông để chống tình trạng thiếu nước sinh hoạt…
Đề cập bối cảnh Đà Nẵng thiếu hụt nguồn nước thời gian qua, Giám đốc Sở TN-MT Tô Văn Hùng đánh giá nhịp điệu phát triển kinh tế xã hội trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và quá trình mở rộng đô thị Đà Nẵng đang làm gia tăng nhu cầu dùng nước, gia tăng lượng nước thải xả vào các nguồn nước mặt. Để phòng chống ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, cải thiện chất lượng nước, TP.Đà Nẵng cần phải có biện pháp bảo vệ tài nguyên nước và các hệ sinh thái thủy sinh, giải quyết đồng bộ trên phạm vi toàn lưu vực. Nội dung bảo vệ tài nguyên nước và dự trữ nước đã được Sở TN-MT tham mưu cho UBND TP phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện tại đề án tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đáng chú ý, đề án đưa ra phương án xây dựng hồ Sông Bắc với dung tích khoảng 50 triệu m3 (theo tính toán sơ bộ). Hồ Sông Bắc nằm trên lưu vực sông Cu Đê là sông nội thành nên dễ kiểm soát chất lượng nước. Khi công trình hoàn thành, TP.Đà Nẵng sẽ giảm tối đa sự phụ thuộc vào nguồn nước và quá trình vận hành các công trình thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. “Công ty Tư vấn Surbana Jurong đề xuất giải pháp trữ nước ngọt tại các hồ chứa thủy lợi ở vùng cao rất hay. Tuy nhiên, cần đưa ra giải pháp để kết nối các hồ chứa này với các con sông mới thực hiện được việc bổ cập được nước từ các hồ chứa vào sông trong mùa khô”, ông Hùng nhận định.
Nghiên cứu kỹ việc xây đập
Với tư cách là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.Đà Nẵng, KTS Tô Văn Hùng đánh giá cao ý tưởng “thành phố ngàn hồ” mà tư vấn đưa ra nhưng cho rằng không chỉ dừng lại ở mục tiêu tạo ra ngàn hồ trong tổ chức không gian chức năng đô thị, mà cần hướng đến mục tiêu mang tính bền vững hơn. Đó là tổ chức không gian đô thị theo hướng đô thị sinh thái; gìn giữ sự đa dạng sinh học, thiết kế hài hòa với các nguyên tắc của tự nhiên… Đặc biệt, TP.Đà Nẵng cần phát triển đô thị phù hợp với “ngưỡng” môi trường và cần tăng cường kết nối không gian bằng các giải pháp giao thông “xanh”, duy trì hành lang xanh, mảng xanh và hồ điều hòa. Trong đó, cần chú trọng tỷ lệ diện tích cây xanh cao, hình thành các mảng xanh bãi biển; diện tích mặt nước (ao, hồ, sông, rạch…) phải cân đối với diện tích dân số đô thị.
TS Lê Hùng (Khoa Xây dựng thủy lợi, thủy điện, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cho rằng, Đà Nẵng nằm ở hạ lưu hệ thống sông lớn Vu Gia - Thu Bồn và còn có sông Cu Đê trong địa phận nên về tiềm năng tổng lượng nước để sử dụng cho sinh hoạt, công nghiệp, các nhu cầu khác… không thiếu. Vấn đề là về chất lượng nước, ví dụ như mặn xâm nhập vào sâu, độ mặn lớn không đảm bảo cho nhu cầu sử dụng. Các giải pháp đưa ra là xây dựng 3 đập dâng (2 trên sông Hàn - Cẩm Lệ, 1 tại cửa Cu Đê) trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung cần phải nghiên cứu cho kỹ với đầy đủ các cơ sở khoa học.
Theo TS Hùng, các đập này chỉ ngăn được mặn, nhưng ô nhiễm phía thượng lưu đập cho nguồn nước và thoát lũ sẽ ảnh hưởng khá lớn đến TP, vì vậy cần nghiên cứu vị trí lấy nước cho phù hợp thay vì làm đập ngăn mặn tại cửa sông như bản quy hoạch. Nếu theo quy hoạch xây dựng đập để sử dụng cửa lấy nước tại Cầu Đỏ thì TP phải giải quyết xử lý ô nhiễm dọc sông Cẩm Lệ, sông Yên bởi các vị trí này đã và đang hình thành nhiều khu đô thị. Nước thải từ các khu công nghiệp, các sân golf chảy về theo sông Túy Loan ứ lại sẽ gây ra khó khăn trong việc xử lý đảm bảo nguồn nước sạch.
Bình luận (0)