Phòng và điều trị bệnh đái tháo đường

14/11/2018 07:00 GMT+7

Vài thập niên qua, số người mắc bệnh đái tháo đường ở các quốc gia có thu nhập trung bình tăng lên rõ rệt, trong đó VN thuộc nhóm có tỷ lệ tăng nhanh nhất.

Không còn giới hạn ở các nước phát triển, đái tháo đường (ĐTĐ) đã trở thành căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới. Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), chủ đề Ngày ĐTĐ thế giới (14.11) năm 2018 và 2019 được lựa chọn là “Gia đình và bệnh ĐTĐ”. Đã đến lúc bạn và người thân cần cảnh giác với căn bệnh mạn tính này.
Hiện nay có hơn 425 triệu người đang sống với căn bệnh ĐTĐ. Hầu hết những trường hợp này thuộc ĐTĐ típ 2 - bệnh có thể phòng tránh được chủ yếu thông qua các hoạt động thể lực thường xuyên, chế độ dinh dưỡng hợp lý và môi trường sống lành mạnh. Và yếu tố gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi các nguy cơ.
Chỉ có 1 trong 2 người hiện đang sống chung với bệnh ĐTĐ là được chẩn đoán, trong số đó chỉ 1/3 bệnh nhân được điều trị và kiểm soát tốt. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ là chìa khóa giúp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Tất cả các gia đình đều có khả năng bị ảnh hưởng bởi căn bệnh ĐTĐ; do đó việc nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng và các yếu tố gây nguy cơ mắc ĐTĐ thực sự quan trọng nhằm giúp phát hiện sớm.
Nâng cao nhận thức phòng ngừa bệnh
Điều trị ĐTĐ có thể tốn kém nhiều chi phí, ở nhiều quốc gia trong đó có VN, chi phí điều trị ĐTĐ có thể tiêu tốn gần một nửa thu nhập của một gia đình trung bình, trong đó 20% cho thuốc và 80% cho các biến chứng do bệnh lý gây ra.
Không chỉ gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, kéo theo hiện tượng đau tim hay đột quỵ, bệnh nhân ĐTĐ còn có nguy cơ mắc các biến chứng khác như huyết áp cao hoặc cholesterol cao, mù lòa, suy thận… Dưới những ảnh hưởng nguy hại của ĐTĐ và việc không có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh, bệnh nhân ĐTĐ thường sẽ sống dưới những áp lực tâm lý đè nặng. Ngay cả ở những bệnh nhân ĐTĐ lâu năm, đã và đang kiểm soát tốt ĐTĐ vẫn có thể có cảm giác như trên.
1.	BS Hoàng Ngọc Thọ trình bày trong Hội thảo
1. BS Hoàng Ngọc Thọ trình bày trong Hội thảo PHÚ THÀNH
Bác sĩ CK2 Hoàng Ngọc Thọ - Khoa nội tiết, ĐTĐ, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết:“Để có thể chung sống cùng ĐTĐ, bệnh nhân ĐTĐ trước hết cần phải cởi mở và chia sẻ các vấn đề của mình với gia đình, bạn bè, bác sĩ về cảm giác của mình. Việc chia sẻ có thể giúp ích rất nhiều trong việc giải tỏa các vấn đề về tâm lý. Thứ hai, tìm hiểu kỹ về ĐTĐ; hiểu rõ về bệnh sẽ giúp bệnh nhân tự tin trong việc giải quyết vấn đề, chủ động trong việc điều trị,…xa hơn là giúp đỡ, động viên những bệnh nhân ĐTĐ. Thứ ba, thực hiện tốt việc thăm khám định kỳ, giúp các bác sĩ kịp thời đánh giá tình hình bệnh và đưa ra các điều chỉnh phù hợp nhằm kiểm soát tốt tình trạng bệnh. Thứ tư, duy trì chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập và cân nặng cho bệnh nhân ĐTĐ một cách hợp lý. Thứ năm, kiểm soát đường huyết tốt để giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm xảy ra…”.
Nhằm hưởng ứng Ngày ĐTĐ thế giới 14.11, sáng ngày 10.11 vừa qua, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo “Nguy cơ và biến chứng tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ” với phần trình bày của bác sĩ CK2 Hoàng Ngọc Thọ - Khoa Nội tiết, ĐTĐ. Bệnh viện còn kiểm tra đường huyết miễn phí, khám, tư vấn bệnh lý ĐTĐ, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm trong việc phòng và điều trị bệnh ĐTĐ, chương trình đã thu hút nhiều người dân tham gia.
Mặc dù là căn bệnh thầm lặng và nguy hiểm, bệnh ĐTĐ và các biến chứng vẫn có thể phòng tránh. Để có thể đạt được điều này, trước hết cộng đồng cần gia tăng nhận thức về bệnh ĐTĐ, qua đó giúp đỡ người thân, cộng đồng thực hiện các thói quen tốt trong sinh hoạt và kiểm tra sức khỏe để tự bảo vệ bản thân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.