Quảng Bình - Tiềm năng và khác biệt: Đồng hành cùng nhà đầu tư

15/01/2021 08:00 GMT+7

Quảng Bình cam kết sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh, trên cơ sở hài hòa lợi ích cho người dân, cho tỉnh và cho doanh nghiệp, đặc biệt là phải tôn trọng môi trường.

Như 2 bài trước chúng tôi đã đề cập (“Quảng Bình - Tiềm năng và khác biệt: Mảnh đất của thông thương” và “Điểm đến của những người đam mê du lịch”), Quảng Bình chứa đựng rất nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Để cụ thể hóa những tiềm năng và cơ hội lớn ấy, tỉnh Quảng Bình bắt tay tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2021 với chủ đề “Quảng Bình - Tiềm năng, an toàn và khác biệt” sẽ diễn ra vào ngày 17.1 tới đây. Rất nhiều dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2023 đầy hấp dẫn.
Theo Ban chỉ đạo hội nghị, đây là hoạt động khởi đầu cho nhiệm kỳ mới, cũng là để “xua tan” hình ảnh của một năm cũ với những dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, tạo động lực cho tỉnh và hướng đến một năm mới phấn khởi, khí thế. Đồng thời, hội nghị còn là dịp để quảng bá về hình ảnh mới của một Quảng Bình với nhiều cơ hội, những tiềm năng phát triển du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp… Quảng bá về mảnh đất tràn đầy nội lực, luôn không ngừng nỗ lực, khát vọng vươn lên và là điểm đến đầu tư tiềm năng, an toàn, khác biệt, đáng tin cậy của tất cả các nhà đầu tư.
Ông Hồ An Phong (giữa) và lãnh đạo các sở chủ trì buổi họp báo về hội nghị xúc tiến đầu tư

Ông Hồ An Phong (giữa) và lãnh đạo các sở chủ trì buổi họp báo về hội nghị xúc tiến đầu tư

ẢNH: C.T.V

Cam kết của lãnh đạo tỉnh

Trước thềm hội nghị, điều mà các nhà đầu tư quan tâm nhất là đến Quảng Bình thì “được” và “mất” gì? Các cấp, ngành cũng như người dân nơi đây có những chủ trương, chính sách hỗ trợ gì và có đồng hành với nhà đầu tư để mang lại sự phát triển chung hay không?
Về vấn đề này, tại cuộc họp báo ngày 5.1 vừa qua, ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, khẳng định: “Hội nghị lần này là diễn đàn quan trọng để Quảng Bình và các nhà đầu tư nhìn nhận lại quá trình sau 2 năm thực hiện cam kết đầu tư trên địa bàn tỉnh kể từ hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai. Đồng thời, tạo động lực để Quảng Bình phát triển, tiếp tục khẳng định thương hiệu của điểm đến du lịch hấp dẫn, vùng đất tiềm năng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và là nơi có lợi thế phát triển công nghiệp, năng lượng tái tạo. Cũng là dịp tốt để giới thiệu hình ảnh một địa phương tràn đầy nội lực, luôn không ngừng nỗ lực, khát vọng vươn lên; điểm đến đầu tư tiềm năng, an toàn, khác biệt và đáng tin cậy của các nhà đầu tư”.
Ông Hồ An Phong cho biết thêm: “Để chuẩn bị hội nghị lần này, thời gian qua, chúng tôi đã làm việc và mời các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực trọng điểm như công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, năng lượng tái tạo đến tư vấn, hỗ trợ. Sau quá trình nghiên cứu, các diễn giả sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư những phân tích, nhận định khách quan, sát thực với tiềm năng, lợi thế của địa phương và tình hình, xu hướng phát triển của kinh tế VN và thế giới trong giai đoạn bình thường mới”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, với tinh thần quyết liệt, sẵn sàng sát cánh cùng các nhà đầu tư để thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, qua hội nghị này, tỉnh Quảng Bình “tiếp tục khẳng định cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khảo sát, triển khai dự án trên địa bàn tỉnh”.
Trao đổi với chúng tôi vào ngày 13.1, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, chia sẻ: “Quảng Bình có nhiều danh nhân kiệt xuất; người Quảng Bình có truyền thống hiếu học, cần cù, chịu khó vươn lên cùng khát vọng làm giàu. Với phương châm hợp tác cùng phát triển, Quảng Bình xác định tạo đột phá từ cải cách hành chính, chuyển từ nền hành chính quản trị sang nền hành chính phục vụ và cam kết sẽ làm hết sức mình, thực sự sát cánh, đồng hành, tạo môi trường an toàn, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư”. Theo ông Thắng, ngoài việc áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung ưu đãi của Chính phủ, Quảng Bình còn có chính sách hỗ trợ và ưu đãi riêng đối với các dự án trọng điểm có tính đột phá, các dự án khác thuộc lĩnh vực tỉnh khuyến khích đầu tư. “Lãnh đạo tỉnh cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư, làm cầu nối tích cực, hiệu quả, sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận các nguồn lực của tỉnh để biến ý tưởng thành hiện thực. Thành công và phát triển của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh. Chúng tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là cơ hội, là động lực để đưa Quảng Bình phát triển”, ông Thắng nói.

Nhiều lời mời gọi hấp dẫn

Ban chỉ đạo Hội nghị cho hay, nhân dịp hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, Quảng Bình sẽ tổ chức khởi động 2 dự án động lực của tỉnh là dự án đường ven biển - cầu Nhật Lệ 3 và dự án mở rộng sân đỗ máy bay sân bay Đồng Hới.
Một thông tin đáng chú ý khác: “đại dự án FLC Quảng Bình” cũng đang khẩn trương triển khai các bước vào giai đoạn nước rút. Nguồn tin từ FLC cho hay, năm 2021, FLC sẽ tập trung mạnh mẽ vào Quảng Bình, xây dựng quần thể nghỉ dưỡng FLC Quang Binh Beach & Golf Resort - một trong những dự án hạ tầng du lịch lớn nhất của Quảng Bình và khu vực miền Trung tính đến thời điểm hiện tại với tổng vốn đầu tư 20.000 tỉ, diện tích gần 2.000 ha. FLC cho rằng, dự án này vượt qua nhiều kỷ lục về quy mô và tiện ích mà chính FLC từng lập ra trước đó với những quần thể nổi tiếng của họ.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, Quảng Bình kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2023 với 62 dự án trên các lĩnh vực, gồm nông nghiệp (16 dự án), công nghiệp - năng lượng - thương mại (22 dự án), phát triển kết cấu hạ tầng (12 dự án), du lịch (12 dự án).
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, kiểm tra hệ thống pin năng lượng mặt trời dự án Nhà máy điện pin mặt trời Dohwa-Lệ Thủy

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, kiểm tra hệ thống pin năng lượng mặt trời dự án Nhà máy điện pin mặt trời Dohwa-Lệ Thủy

ẢNH: C.T.V

Trong 62 dự án, có một số dự án nổi bật với tổng vốn đầu tư cao như: phát triển chăn nuôi lợn giống, lợn thịt chất lượng cao huyện Lệ Thủy có tổng vốn đầu tư là 10 tỉ đồng/ha (quỹ đất 100 - 200 ha); nhà máy sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô 2.000 tỉ đồng (công suất 50.000 xe/năm); xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu 2.500 tỉ đồng; điện gió Lệ Thủy 3 - giai đoạn 3 với tổng vốn đầu tư 3.600 tỉ đồng (công suất 100 MW); xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Bang với số vốn 4.000 tỉ đồng...
Và còn rất nhiều dự án hấp dẫn khác với số vốn đầu tư ít hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.