Bán chuối nếp nướng khách Tây nhớ mãi, doanh thu 15 triệu/ngày sống khỏe ở Sài thành

30/01/2018 12:08 GMT+7

Chỉ vì 'thèm' được ăn một chiếc bánh chuối nếp nướng đúng nghĩa, bà Mai đã trở thành bà chủ tiệm bánh chuối nếp nướng với doanh thu 'khủng' mỗi ngày.

VIDEO: Bánh chuối nướng một trong những món ngon Sài Gòn đem lại doanh thu khủng cho bà Mai
Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Thu Mai (62 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) kiếm sống bằng việc bán tạp hóa tại nhà. Nhưng rồi cái nghề làm bánh chuối nếp nướng lại đến với bà giống như một cái duyên kỳ ngộ.
Một ngày bán chuối nướng doanh thu 15 triệu đồng
“Thuở nhỏ tôi rất thích ăn món này, nhưng đi ăn thì thấy họ bán kém ngon nên tôi quyết định tự làm, tự ăn. Sau đó tôi mới học lóm cô hàng xóm cách làm bánh rồi mày mò biến tấu ra thêm”, bà Mai kể.
Cũng chính từ sự “thèm” được ăn một chiếc bánh chuối nếp nướng đúng nghĩa, bà mang nếp, chuối, dừa “xắn tay” vào làm. Làm xong bà mang ra trước nhà để nướng, hương thơm bốc lên ngào ngạt khiến người đi đường tò mò ghé mua.
“Lúc đầu, tôi nướng chỉ có 3 kg nếp thôi, chuối thì bà chị dưới quê gửi lên. Vì nhà chật với lại nướng bánh khói nhiều nên tôi đem ra trước nhà để nướng”, bà Mai kể.
Những chiếc bánh chuối vàng ươm khi được nướng chín Ảnh: Phan Định
Lúc ấy, người đi đường ai cũng dán mắt vào cái bếp nhỏ xíu đặt 2, 3 trái chuối nếp mà bà đang phe phẩy quạt. Bánh chín mùi thơm tỏa ra rất lạ, vì không cưỡng lại được mùi quyến rũ đó nên nhiều người ghé vào hỏi mua, nhưng bà không bán. “Bán hết lấy gì cho con cháu nó ăn nên tôi không bán. Nhưng người ta năn nỉ quá, bấm bụng tôi bán cho 2 cái. Ai ngờ lát sau nhiều người khác kéo tới đòi mua, nên tôi quyết định bán thêm vài cái để lấy lại vốn, rồi ngày hôm sau nướng cái khác ăn sau”, bà Mai chia sẻ.
Không ngờ, ngày hôm sau cũng vậy. Thấy bà nướng được vài 3 cái là có người lại mua. Từ đó, bà quyết định làm nhiều hơn để bán. “Mới đầu tôi làm ít, nếu bán không được thì đem về cho con ăn, đâu mất mát gì. Với suy nghĩ đó tôi bắt đầu làm bánh để bán mỗi ngày”, bà Mai kể về những ngày đầu bán bánh.
Lá chuối được bọc bên ngoài chiếc bánh Ảnh: Phan Định
Có lần, một vị khách người Thái Lan đến TP.HCM để du lịch, có dịp đi ngang tiệm của bà, thấy những chiếc bánh chuối nếp vàng ươm, bóng bẩy, thơm nức mũi, nên đã ghé vào ngỏ ý muốn mua hết số bánh của bà nhưng bà từ chối. Bà Mai nhớ lại: “Tôi thì không biết tiếng Thái, lúc đó có một người dịch giúp tôi là họ muốn mua hết số bánh này nhưng tôi từ chối, vì có rất nhiều người đang chờ đợi để được mua bánh của tôi”.
Bà Mai cười tươi nói: “Hễ dọn ra là hết, từ 3 kg nếp lên 5 kg, rồi 10 kg, nhưng vẫn không đủ bán. Ai hỏi tôi cũng lắc tay, riết mắc cỡ luôn”.
'Bán đến khi nào sức khỏe không cho phép thì thôi'
Vì thấy việc buôn bán của bà thuận lợi nên nhiều người đã có lời ra tiếng vào nhằm hạ uy tín tiệm bánh của bà. Nhưng chẳng sao, lượng khách vẫn cứ đổ về nườm nượp, đến nỗi ba bốn người đứng bán vẫn không xuể.
Bà Mai trăn trở: “Một kg đường chỉ với giá 20.000 đồng thì tội tình gì phải mua đường hóa học bỏ vào cho mất uy tín. Nhiều người nói tôi trộn xác dừa vào bánh, nếp thì trộn với gạo, nước cốt thì bỏ bột béo… Nhưng bản thân tôi tâm niệm “Cây ngay thì không sợ chết đứng”, lương tâm tôi không cho phép tôi làm điều đó”. 
Bà Mai chưa bao giờ nghĩ sẽ mang theo bí quyết làm bánh của mình đến cuối đời. Bà ngỏ ý, nếu ai muốn học hỏi thì cứ việc đến tiệm, bà sẽ hướng dẫn tận tình. Vì bà nghĩ đó cũng là hành động gián tiếp giúp cho họ, cũng như gia đình họ có một cái nghề, vực dậy khỏi sự khó khăn, có thêm thu nhập. “Giờ phút này mình còn giữ để làm gì nữa, tôi muốn nhân rộng ra để nhiều người còn biết đến cái món dân dã này nữa chứ”, bà Mai nói.
Nướng bánh là công đoạn khó nhất vì bánh dễ bị cháy Ảnh: Phan Định
Trong suốt những năm tháng "đồng hành" cùng món bánh chuối nướng này, bà Mai đã từng bước tạo nên tên tuổi cho món bánh của mình, cái tên “Bánh chuối nếp nướng 378 Võ Văn Tần” đã có mặt trong một quyển sách giới thiệu những món ăn độc đáo của Sài Gòn được đặt trên máy bay.
Nhiều vị khách nước ngoài tới Việt Nam du lịch đã “lỡ” ăn qua món bánh của bà thì không thể nào quên được hương vị của nó. Hương vị đó cứ thôi thúc họ một lần nữa tìm đến quán của bà để mua những chiếc bánh ngon nhất, đậm đà nhất. Bà Mai tự hào nói: “Tôi thật sự sung sướng khi món bánh của tôi lại có tên trong dánh sách những món ngon nhất tại Sài Gòn, nhờ đó mà nhiều vị khách khắp nơi trên thế giới biết đến món bánh bình dị này của tôi, tôi rất hãnh diện vì điều đó”.
Một ngày quán bánh của bà Mai bán trung bình 1.000 chiếc với giá 14.000 – 15.000, tổng cộng mỗi ngày doanh thu của tiệm bánh khoảng 15 triệu đồng. “Tùy vào số chuối thương lái giao cho mình ít hay nhiều. Nếu ngày đó họ giao 1.000 trái thì mình làm 1.000 cái bánh, giao nhiều hơn thì mình làm nhiều, nhưng làm ngày nào là bán hết ngày đó”, bà Mai cho biết.
Làm bánh cũng như làm nghệ thuật
Muốn chế biến được một chiếc bánh ngon đòi hỏi người làm phải kỹ lưỡng trong tất cả các khâu, từ việc chọn nếp, chuối, chế biến nước cốt dừa, tất cả đều phải cân đo, đong đếm thật chính xác. Nếp phải được ngâm vài giờ, sau đó vo cho thật kỹ, rồi mới đem xào với nước cốt dừa đến khi chín.
Với công đoạn cầu kỳ thư thế thì đòi hỏi phải có một lượng nhân công lớn. Mỗi ngày bà chia ra 3 ca làm, mỗi ca 3 người thay nhau nướng bánh và bán bánh. Bà Mai nói: “2 giờ sáng tôi đã bắt đâu công việc, mỗi người một tay phụ nhau mà làm. Được cái ở đây toàn là con cháu của tôi thôi nên làm việc với nhau dễ dàng. ”.
Nhiều vị khách đã gắn bó với tiệm bánh này từ lúc mới khai trương Ảnh: Phan Định
“Nếp thì tôi phải chọn loại nếp cũ nhất giá cao, nếu mua nếp rẻ tiền thì lúc nướng sẽ không được ngon, vì nó sẽ khiến cho chiếc bánh trở nên cứng và khô, nếu ăn không kịp sẽ hư ngay”, bà Mai cho biết.
Sau khi nếp chín sẽ được bó xung quanh quả chuối, cuối cùng là bọc lại bằng lá chuối đã được rửa và lau sạch. Theo bà Mai, để có được chiếc bánh ngon hơn, bóng bẩy hơn thì khi xào nếp, lượng nước cốt dừa phải nhiều. “Lá chuối thì tôi dùng lá chuối sứ được lấy từ các vựa ở miền tây, vì lá chuối ở miền đông bị dính đất đỏ rất khó lau, không thẩm mỹ”, bà Mai cho biết.
Hiện nay, tuy tuổi đã già, sức khỏe cũng không còn dẻo dai như trước, nhưng bà vẫn cố gắng kéo dài thời gian hoạt động của tiệm bánh, một phần tạo công ăn việc làm cho các chị em khỏi phải chạy vạy mưu sinh, bấp bênh ngoài đời.
Bà Mai tâm sự: “Số tiền lời tôi chia đều cho các anh chị em, còn nếu dư nhiều thì tôi mang đi làm từ thiện, chứ giờ già rồi, con cái cũng có gia đình công việc ổn định nên khỏi phải bận tâm chi nhiều nữa, cứ bán cho đến khi nào sức yếu thì thôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.