Bạn có nên ăn rau mầm hằng ngày?

30/12/2019 14:28 GMT+7

Rau mầm là những cây con, bé xíu mọc từ hạt nảy mầm. Có nhiều loại rau mầm, tùy thuộc vào loại rau. Chúng là nguồn tuyệt vời của men và chất xơ.

Sau đây là 10 lý do tại sao bạn nên bắt đầu đưa rau mầm vào thực đơn hằng ngày, theo Natural News.

1. Chứa đầy men dinh dưỡng

Các chuyên gia cho biết rau mầm chứa lượng men nhiều gấp 100 lần rau sống và trái cây. Men là các protein đặc biệt giúp tăng tốc các chức năng cơ thể. Men đặc biệt hữu ích cho hệ tiêu hóa bằng cách giúp phá vỡ thức ăn. Điều này giúp thúc đẩy quá trình hấp thụ các hợp chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất và a xít amin.

2. Nguồn chất xơ phong phú

Rau mầm rất giàu chất xơ và ít calo, nên là thực phẩm lý tưởng để duy trì cân nặng. Thực phẩm có nhiều chất xơ giúp tạo cảm giác no trong thời gian dài hơn, từ đó giúp kiềm chế cơn thèm ăn vặt những món có calo cao.

3. Giúp giảm độ a xít

Rau mầm có thể giúp kiểm soát độ pH của cơ thể, nghĩa là mức độ a xít và bazơ trong cơ thể. Để hoạt động tốt, cơ thể cần phải đạt được sự cân bằng giữa a xít và bazơ. Phổi và thận giúp điều chỉnh độ pH, nhưng hầu hết mọi người đều ăn thực phẩm có tính a xít. Rau mầm có thể kiềm hóa, hoặc làm giảm độ a xít của cơ thể, theo Natural News.

4. Chống ung thư

Ung thư có liên quan đến quá nhiều a xít trong cơ thể. Rau mầm có thể giúp điều chỉnh mức độ pH để ngăn chặn ung thư. Hơn nữa, rau mầm rất giàu các hợp chất chống ung thư, như glucoraphanin và sulforaphane, bảo vệ cơ thể khỏi một số loại ung thư.

5. Cải thiện lưu thông máu

Do hàm lượng sắt và đồng cao, rau mầm giúp duy trì số lượng hồng cầu, tăng cường lưu thông máu. Lưu thông máu tốt hơn dẫn đến việc cung cấp chất dinh dưỡng và ô xy đến tất cả các tế bào trong cơ thể được nhiều hơn. Từ đó, tối ưu hóa các chức năng của các tế bào và giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, theo Natural News.

6. Tăng cường sức khỏe tim mạch

Ăn rau mầm có thể giúp giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Có thể giúp giảm mức cholesterol xấu, tổng lượng cholesterol và chất béo trung tính trong máu. Đồng thời, a xít béo omega-3 giúp tăng mức cholesterol tốt.
Ngoài ra, a xít béo omega-3 có đặc tính kháng viêm, có thể giúp bảo vệ hệ thống tim mạch khỏi căng thẳng quá mức do viêm.

7. Tăng cường hệ miễn dịch

Rau mầm cũng chứa đầy vitamin C - rất cần cho một số chức năng cơ thể, đặc biệt là hệ miễn dịch. Vitamin C giúp kích thích các tế bào bạch cầu tăng khả năng chống lại vi khuẩn có hại và bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật và nhiễm trùng.
Hơn nữa, rau mầm cũng chứa vitamin A, giúp chống lại các gốc tự do và ngăn ngừa stress ô xy hóa, do đó góp phần bảo vệ hệ miễn dịch, theo Natural News.

8. Chứa hàm lượng đạm cao

Mặc dù các loại hạt là nguồn đạm phong phú, quá trình nảy mầm còn làm tăng hàm lượng đạm này lên cao hơn nữa. So với việc ăn thịt động vật, rau mầm là cách thuận tiện để có được đạm mà không có lẫn chất béo, cholesterol và calo.
Một số loại rau mầm chứa tới 35% đạm, trở thành nguồn đạm lý tưởng cho người ăn chay, theo Natural News.

9. Tuyệt vời cho mái tóc khỏe mạnh

Rau mầm giúp tăng cường lưu thông máu nên cung cấp đủ chất dinh dưỡng đến da đầu và nang tóc, do đó thúc đẩy tăng trưởng tóc. Rau mầm có thể giúp sửa chữa các mao mạch để tạo ra mái tóc dày, chắc khỏe.
Rau mầm cũng có thể bổ sung vitamin A cho cơ thể. Việc thiếu vitamin A có thể dẫn đến tóc mỏng và rụng tóc quá mức. Ăn rau mầm có thể giúp làm chậm hoặc đảo ngược chứng rụng tóc, theo Natural News.

10. Chứa a xít béo thiết yếu

Trong quá trình nảy mầm, lượng a xít béo thiết yếu trong cây tăng lên. Các a xít béo thiết yếu, như omega-3 và omega-6 rất quan trọng đối với cơ thể. Đó là nguồn nhiên liệu cho cơ thể và giúp cung cấp cấu trúc cho màng tế bào. Cơ thể không thể sản xuất các loại a xít béo này, vì vậy chỉ có thể hấp thụ thông qua ăn uống.
Từ bây giờ, hãy thêm rau mầm vào bữa ăn của bạn thường xuyên để gặt hái những lợi ích tối đa của chúng bạn nhé.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.