Bạn đã khám phá những địa điểm này ở khu Chợ Lớn?

22/04/2021 15:27 GMT+7

Theo chân các bạn trẻ trong câu lạc bộ Hướng dẫn viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chúng tôi có một chuyến đi kéo dài chỉ 3 giờ nhưng khám phá được những điều thú vị ở khu Chợ Lớn.

Thưởng thức quán cà phê vợt có tuổi đời hơn 60 năm

8 giờ sáng, chúng tôi tập trung tại Trung tâm thương mại The Garden Mall (đường Hồng Bàng, P.12, Q.5, TP.HCM) bắt đầu hành trình. Rẽ ngang đường Hồng Bàng, chúng tôi đi dọc con đường Phùng Hưng để tiến vào chợ. Chợ Phùng Hưng hay được gọi với cái tên là chợ Thủ Đô, nơi đây là khu chợ người Hoa, bán đủ các loại món ăn đặc trưng như: Khổ qua cà ớt, há cảo, phá lấu, miến gà...

Quán cà phê vợt nổi tiếng tại chợ Thủ Đô

Thái Duy

Dừng chân tại quán cà phê vợt Ba Lù, đây là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất chợ Phùng Hưng. Quán cà phê đã có tuổi đời hơn 60 năm, tới nay vẫn duy trì kiểu rang, xay cũ bằng củi thêm bơ, muối, rượu. Được biết, quán mở cửa từ 2 giờ sáng, phục vụ cho những bạn hàng trong chợ và những ông bà cụ dậy sớm, có khách hàng đã gắn bó với quán suốt mấy chục năm trời.
Thưởng thức ly bạc sĩu nóng, hương thơm đặc trưng của cà phê được rang, xay với bơ, rượu trắng dậy lên mùi đặc trưng, thơm phức. Vị cà phê lạ miệng, dường như chưa bắt gặp ở bất cứ quán nào.
Không gian quán cổ kính, in hằn dấu vết của thời gian, tạo nên một sức hút rất đặc biệt. Người qua lại tấp nập, ai cũng nói cười niềm nở, bật nên chất hào sảng của con người nơi đây.
Để nói về sự đa dạng và chất lượng của các món ăn, thức uống ở khu Chợ Lớn, chúng tôi nói vui với nhau bằng một câu nổi tiếng “ăn quận 5, nằm quận 3, la cà quận 1”, ngay lúc đó cụ bà ở bên cũng đồng tình nói: “Đúng rồi đó tụi con, ở khu này bán gì cũng ngon hết, vì bán đồ gì dở người ta tẩy chay liền, không ghé nữa!”.

Cung đường với những khu chợ, địa điểm nổi tiếng

Tiếp tục hành trình, chúng tôi đi qua đường Trần Hưng Đạo B, trước mắt chúng tôi là thương xá Đồng Khánh hay còn gọi là chợ vải Soái Kình Lâm, nơi đây được mệnh danh là thiên đường vải vóc.
Thông qua lời của trưởng nhóm Khổng Trí Quy (sinh viên năm cuối ngành Việt Nam học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), chúng tôi biết được chợ có tên như thế bởi ngày trước có một nhà hàng Hoa rất lớn tên là Soái Kình Lâm nằm kế bên chợ. Lâu ngày, người ta quen gọi là chợ Soái Kình Lâm.
Khu vực này chuyên bán vải, tùy theo giá tiền mà có chất lượng khác nhau. Người bán ở đây luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Tuy bán cùng mặt hàng nhưng nhiều người bán nơi đây không cạnh tranh mà luôn niềm nở, giúp đỡ lẫn nhau.
Chỉ về hướng bên kia đường, Trí Quy cho chúng tôi biết đó là chợ Đại Quang Minh, một chợ chuyên bán những phụ kiện handmade (đồ làm bằng tay). “Còn phía bên kia là chợ chuyên bán văn phòng phẩm với các loại mặt hàng như sách, vở, dụng cụ học tập với giá cả phải chăng”, Trí Quy nói.
Tiếp tục đi theo con đường Trần Hưng Đạo B, chúng tôi đi ngang qua hội quán Lệ Châu, nơi đây là nhà thờ tổ nghề thợ kim hoàn sớm nhất tại TP.HCM. Cuối đường, nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê hiện lên trước mắt chúng tôi, một thánh đường cổ kính giữa Chợ Lớn. Kiến trúc nơi đây mang đặc trưng của lối kiến trúc châu Âu nhưng yếu tố văn hóa người Hoa vẫn được coi trọng.
Từ đường Học Lạc, chúng tôi đi chừng 100 m là đến con đường Hải Thượng Lãn Ông, nổi tiếng bán các loại thuốc đông y. Mùi đặc trưng của những dược liệu xông vào ngát mũi. Bên đường là khu bán những vật trang trí bắt mắt như đèn lồng, hoa giả, đa dạng về mẫu mã và chủng loại.

Đường Hải Thượng Lãn Ông nổi tiếng là con đường bán thuốc đông y

Thái Duy

“Khi muốn biết bao giờ đến tết, chỉ cần đến con đường này, thấy con đường rợp sắc đỏ thì các bạn biết tết sắp đến”, Trí Quy chia sẻ. 

Chùa Bà Thiên Hậu

Địa điểm cuối cùng mà chúng tôi tham quan là chùa Bà Thiên Hậu hay còn gọi là chùa Bà Chợ Lớn. Tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM, nơi đây là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời.

Hình ảnh rất đặc trưng tại chùa Bà Thiên Hậu 

Thái Duy

Cũng tại đây, chúng tôi được dịp hiểu rõ hơn về truyền thuyết của Thiên Hậu Thánh Mẫu cũng như kiến trúc và sự ra đời của chùa Bà. Phần mái chùa được trang trí nhiều bức tượng đa dạng hình thù và kích thước rất kỳ công.

Đo thân nhiệt trước khi vào chùa Bà Thiên Hậu

Thái Duy

Nhiều đường nét điêu khắc, chạm trổ vẫn còn giữ được giá trị rất lớn về lịch sử, mỹ thuật. Giữa nhịp sống đô thị, nơi đây vẫn luôn giữ được vẻ đẹp cổ kính, gợi cho chúng tôi một cảm xúc khó tả.
“Kết thúc chuyến tham quan khu Chợ Lớn, em cảm thấy rất thú vị. Chuyến đi giúp em khám phá thêm rất nhiều điều mới mẻ”, Tô Phượng Thảo (sinh viên khoa tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm, TP.HCM) cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.