Bán đảo Phương Mai: Khởi sắc từ phát triển du lịch

07/09/2017 08:00 GMT+7

Vùng đất thuộc bán đảo Phương Mai, TP.Quy Nhơn (Bình Định) đang khởi sắc từ phát triển du lịch.

Thu hút khách nhờ vẻ đẹp rất riêng
Nếu như cách đây chừng hơn 3 năm thôi, Quy Nhơn - Bình Định vẫn là cái tên khá mới mẻ với giới chuyên du lịch thì nay địa chỉ này đã là một trong những điểm đến hấp dẫn và thú vị nhất tại VN. Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Một trong những nguyên nhân khiến du khách đến với Bình Định nhiều là do sức hút từ những vẻ đẹp rất riêng và nổi bật của từng khu du lịch. Không nơi nào lẫn với nơi nào”.
Chúng tôi muốn xây dựng hình ảnh một Bình Định phát triển về du lịch bằng sự thân thiện, hiền hòa và mến khách của người dân, bằng những dịch vụ tốt nhất và với những cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ có những quy hoạch cụ thể để nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, các điểm du lịch không chỉ ở tầm trong nước mà còn vươn ra quốc tế, trở thành một điểm đến thật sự hấp dẫn và ấn tượng tốt đẹp
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định
Tại Hòn Khô (thuộc xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn), theo thống kê của UBND xã Nhơn Hải, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có khoảng 18.000 lượt khách đến tham quan du lịch. Ngay kề Nhơn Hải là Nhơn Lý, là điểm thu hút khách đông gấp bội. Nơi đây được xem là trung tâm du lịch biển đảo tại Bình Định với nhiều điểm đến hấp dẫn, tuyệt đẹp như Kỳ Co, Eo Gió, Hòn Sẹo, Bãi Dứa, Quần thể du lịch FLC… Lượng khách đến đây năm 2016 là hơn 225.000 lượt và tăng dần theo thời gian.
Xa hơn chút nữa, cách Quy Nhơn chừng 30 km là biển Trung Lương (thuộc xã Cát Tiến, H.Phù Cát), nổi tiếng như một điểm dã ngoại lý tưởng dành cho du khách.
Cơ cấu lao động chuyển đổi rõ rệt
Một trong những điều nhìn thấy rõ nhất từ đổi thay của bán đảo này sau khi du lịch phát triển chính là sự chuyển đổi cơ cấu lao động rõ rệt. Nó kéo theo sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 22 triệu đồng/người. Đến 2017, con số thống kê của 7 tháng đầu năm là 34,2 triệu/người. Đây có thể nói là con số rất ấn tượng của lao động ở một làng chài.
Các dịch vụ kèm theo sự phát triển của du lịch cũng tăng vượt bậc. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý cho biết: “Nếu như trước đây chỉ khoảng chục hộ trong diện thu thuế ở xã thì nay đã trên 105 hộ. Năm 2015, xã chỉ thu được 175 triệu đồng, thì mới 7 tháng đầu năm 2017 đã hơn 500 triệu đồng…”.
Sự chuyển đổi cơ cấu lao động từ ngư nghiệp sang dịch vụ cũng được nhìn thấy rõ ở Nhơn Hải. Ông Ngô Đức Tình, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết: “Năm 2015, Nhơn Hải có khoảng 70% dân số làm nghề biển nhưng nay chỉ còn 58%”.
Những cơ hội mở ra trong tương lai
Có thể nói, từ một vùng đất toàn cát là cát như Nhơn Lý thì nay đã khác xưa rất nhiều. Khác ở những con đường nhựa trải dài thẳng tắp. Khác ở hệ thống đèn chiếu sáng rực rỡ khi Nhơn Lý về đêm. Khác ở sinh khí của một vùng đất được nhìn thấy rõ rệt ở sự nhộn nhịp thuyền bè đưa rước khách, phục vụ khách… Nhơn Lý, Nhơn Hải, Cát Tiến đã thực sự chuyển mình. Ngay cả lời ăn tiếng nói cũng được “mềm hóa” hơn để chiều lòng.
Thêm vào đó là những dự định, dự án đầu tư để cụm du lịch ở bán đảo Phương Mai này ngày một phát triển như kéo điện ra Hòn Khô, xây dựng khu homestay quy mô ở Nhơn Lý hay đầu tư đào tạo nhân sự du lịch và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch để làm sao “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.