Bản đồ trên web sai tên Hoàng Sa, Trường Sa: Hãng xe Trung Quốc nói gì?

20/05/2024 16:02 GMT+7

Trước làn sóng phẫn nộ từ dư luận liên quan đến vụ việc bản đồ trên website Yadea Việt Nam hiển thị sai thông tin quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đại diện hãng xe Trung Quốc vừa thừa nhận sai sót và khẳng định sẽ sớm khắc phục.

Ngày 19.5.2024, trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội, nhiều cư dân mạng "rầm rộ" chia sẻ thông tin, liên quan đến việc website chính thức của thương hiệu xe máy điện Yadea tại Việt Nam hiển thị bản đồ ghi sai tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo đó, khi tìm kiếm địa chỉ các cửa hàng chính hãng của Yadea Việt Nam trên địa chỉ https://www.yadea.com.vn/, nhiều khách mua xe máy điện phát hiện các thông tin về cửa hàng và bản đồ không thể hiển thị. Đáng chú ý, các thông tin này chỉ bị chặn với người dùng trong nước. Trong khi, người dùng ở nước ngoài vẫn có thể xem được bản đồ. Hơn nữa, thông tin hiển thị tên hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa trên bản đồ lại ghi bằng tiếng Trung Quốc, dịch ra lại là Tây Sa và Nam Sa. Điều này khiến không ít người bức xúc.

Nhiều người bức xúc khi phát hiện bản đồ trên hệ thống website của Yadea Việt Nam hiển thị sai tên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Nhiều người bức xúc khi phát hiện bản đồ trên hệ thống website của Yadea Việt Nam hiển thị sai tên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Trên mạng xã hội, những hình ảnh về bản đồ hiển thị sai thông tin nói trên sau khi được đăng tải đã nhanh chóng lan truyền, thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Nhiều người tỏ ra hết sức bất bình khi cho rằng, Yadea không tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời yêu cầu "tẩy chay" đối với hãng xe Trung Quốc.

Đại diện hãng nói gì?

Liên quan đến vụ việc nói trên, trả lời báo Thanh Niên, Yadea cho biết hãng đã kiểm tra và thừa nhận có sự "sơ suất" như thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Cụ thể, trong văn bản phản hồi, đại diện hãng xe Trung Quốc viết: "Liên quan đến sự việc này, chúng tôi thừa nhận đã vô cùng sơ suất trong việc phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ xây dựng website và đối tác cung cấp bản đồ để hiển thị thông tin/hình ảnh chính xác".

Tuy nhiên, Yadea khẳng định đây chỉ là sự cố ngoài ý muốn. "Sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã ngay lập tức kiểm tra và loại bỏ các hình ảnh không phù hợp theo đúng quy định của pháp luật hiện nay.

Yadea hiện đang là thương hiệu xe máy điện có thị phần lớn hàng đầu tại thị trường Việt Nam nhờ lợi thế giá bán

Yadea hiện đang là thương hiệu xe máy điện có thị phần lớn hàng đầu tại thị trường Việt Nam nhờ lợi thế giá bán

Bá Hùng

Với cam kết gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, chúng tôi nghiêm túc lắng nghe mọi phản hồi, góp ý với tinh thần cầu thị, đồng thời sẽ triển khai các biện pháp rà soát thật chặt chẽ để đảm bảo sự việc tương tự không xảy ra trong tương lai".

"Sự cố bản đồ" không phải lần đầu

Thực tế, Yadea không phải cái tên đầu tiên dính vào "lùm xùm" liên quan đến bản đồ vi phạm chủ quyền Việt Nam. Bởi trước đó từng có không ít đơn vị trong ngành ô tô bị "tuýt còi" vì sai phạm tương tự.

Đầu tiên là phải kể đến vụ việc công ty Kylin nhập khẩu hàng loạt ô tô thuộc hai thương hiệu Trung Quốc là Zotye và BAIC. Các xe này bị phát hiện cài đặt ứng dụng bản đồ đường có hiển thị đường lưỡi bò vào giữa năm 2019, khiến nhiều người vô cùng bức xúc.

Lý giải về sự cố, phía đơn vị nhập khẩu và phân phối cũng khẳng định không chủ ý mà do sơ xuất trong khâu kiểm tra sản phẩm. Bởi các xe do Trung Quốc sản xuất đều được nước này cài phần mềm ứng dụng bản đồ định vị vệ tinh trên trang web Navigation. Tuy nhiên, do khác hệ thống định vị vệ tinh và không có dữ liệu về giao thông tại Việt Nam nên phần mềm nói trên không hoạt động được, mà chỉ hiển thị hình nền bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò.

Năm 2019, ngành ô tô trong nước cũng xôn xao với hàng loạt sự cố liên quan đến bản đồ trên các dòng ô tô nhập về từ Trung Quốc

Năm 2019, ngành ô tô trong nước cũng xôn xao với hàng loạt sự cố liên quan đến bản đồ trên các dòng ô tô nhập về từ Trung Quốc

Đình Tuyên

Không lâu sau vụ việc của Kylin, một đơn vị khác là Volkswagen Việt Nam cũng dính "phốt" tương tự. Cụ thể, trong khuôn khổ triển lãm ô tô Việt Nam (VMS 2019), Volkswagen đưa đến trưng bày chiếc Touareg mới. Tuy nhiên, khi xem xe tại sự kiện, nhiều người phát hiện trong hệ thống dẫn đường của chiếc SUV xuất hiện bản đồ có "đường lưỡi bò".

Ngay sau đó, đại diện Volkswagen Việt Nam cũng đã thừa nhận sai sót và lập tức tiến hành ngắt kích hoạt chức năng định vị bản đồ. Đồng thời lên tiếng khẳng định chiếc Touareg trưng bày tại gian hàng Volkswagen ở triển lãm chỉ là xe thuộc diện tạm nhập tái xuất, phục vụ mục đích trưng bày chứ không thương mại hóa tại Việt Nam. Mặc dù vậy, sự cố cũng khiến đơn vị phân phối ô tô này khá "chật vật" bởi làn sóng phản đối trên mạng xã hội.

Bày tỏ quan điểm về những "sự cố bản đồ", một số chuyên gia trong ngành ô tô Việt Nam cho rằng, các thương hiệu, đơn vị phân phối ô tô, xe máy nên cẩn trọng hơn trong khâu kiểm tra sản phẩm hoặc truyền thông. Tuyệt đối không để những sai sót "nhạy cảm" về bản đồ hay chủ quyền xảy ra. Bởi dù vô tình hay cố ý, những sự cố này cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dư luận và hậu quả sẽ rất khó lường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.