Bản đồ Việt Nam trên bao bì cà phê thiếu Hoàng Sa - Trường Sa, chủ nói gì?

09/12/2021 11:42 GMT+7

Nhiều du học sinh Việt Nam đang học tại nước ngoài ý kiến về bao bì của hãng cà phê Nguyen Coffee Supply đang bán ở Mỹ có hình bản đồ Việt Nam nhưng lại thiếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trên một số diễn đàn dành cho du học sinh Việt Nam đang có nhiều ý kiến về việc Nguyen Coffee Supply, một hãng sản xuất cà phê trụ sở tại Mỹ, có in hình bản đồ Việt Nam nhưng thiếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bản đồ thiếu hai quần đảo

Đăng bài viết trên một diễn đàn có sự tham gia của gần 44 ngàn du học sinh Việt Nam trên khắp thế giới, Trần Châu Quốc Bảo, học thạc sĩ ngành digital marketing tại ĐH North Eastern (Boston, Mỹ), phản ánh bao bì trên một số sản phẩm của thương hiệu cà phê Nguyen Coffee Supply đang bán ra có hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng lại thiếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều du học sinh khác cũng cho ý kiến phản đối về việc này.

Hình ảnh túi 12oz của Nguyen Coffee Supply thiếu quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên trang Amazon

Chụp màn hình

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, Quốc Bảo cho biết anh tình cờ phát hiện điều này khi lên Amazon đặt hàng cà phê. Nguyen Coffee Supply là một thương hiệu cà phê sản xuất tại Mỹ, xuất khẩu nhiều nơi và khá nổi tiếng tại Mỹ, được nhiều người ưa chuộng vì có vị cà phê rất giống với cà phê ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi thấy bao bì in bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa và Trường Sa, Bảo quyết định không mua và muốn lên tiếng phản ánh về vấn đề này.

"Theo quan điểm chuyên ngành marketing của mình thì trường hợp này là sử dụng hình ảnh và chữ Việt Nam để quảng bá thương hiệu, đem lại lợi ích cho cá nhân và tổ chức, đánh vào tâm lý người Việt Nam, người gốc Việt, những người nước ngoài thích cà phê Việt. Tuy nhiên, việc gắn liền bản đồ Việt Nam thiếu đi 2 quần đảo sẽ gây hiểu lầm đến thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Nếu đã sử dụng bản đồ Việt Nam thì phải toàn vẹn lãnh thổ như lâu nay chúng ta đã cố gắng", Bảo cho biết.

Đối với loại bao bì 5lb thì 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được thiết kế rõ hơn

CHỤP LẠI MÀN HÌNH

Trên trang web của mình, Nguyen Coffee Supply cho biết đây là công ty cà phê Việt Nam đầu tiên tại Mỹ, đặt trụ sở tại Q.Brooklyn, TP.New York. Sản phẩm cà phê của công ty này có cả hạt arabica và robusta. Công ty liên kết với một nông dân tại Đà Lạt để có nguồn cung cấp cho các sản phẩm của mình tại Mỹ.

Trong khi hầu hết các thương hiệu cà phê khác tại Mỹ đều đi theo một hướng là nhập hạt arabica từ châu Phi và Nam Mỹ, Nguyen Coffee Supply đi theo hướng hoàn toàn ngược lại là nhập hạt cà phê từ Việt Nam. Nguyen Coffee Supply đã bắt đầu hoạt động được khoảng 3 năm và phân phối sản phẩm nhiều nơi.

Sahra Nguyễn nói gì?

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, Sahra Nguyễn, người sáng lập và điều hành Nguyen Coffee Supply, cho biết cô và công ty hoàn toàn tôn trọng vấn đề quan trọng là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần của Việt Nam. Cô và công ty đảm bảo điều này trong bao bì túi 5lb (dạng túi lớn, 2,2 kg). Những chiếc túi này lớn hơn và có nhiều không gian để in, vì vậy hình ảnh các đảo rất rõ ràng.

Tuy nhiên, khi thiết kế bản đồ Việt Nam cho túi nhỏ 12 oz (340 gram), Sahra Nguyễn cho biết đã có ý định đưa hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên bao bì. "Nhưng do kỹ thuật in ấn (mực in và các hòn đảo nhỏ), bằng cách nào đó các hòn đảo không xuất hiện trong quá trình in ấn", Sahra Nguyễn nói.

Sahra Nguyễn trong vườn cà phê ở Việt Nam

NVCC

Sahra Nguyễn cho biết thêm: "Đối với các túi nhỏ 12oz, sau khi hoàn thành xử lý hàng tồn kho hiện tại, chúng tôi sẽ cập nhật hình ảnh để làm cho các đảo rõ ràng và dễ nhìn hơn, giống như trên các túi 5lb. Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng chuyện hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một phần của Việt Nam".

Bên trong công ty Nguyen Coffee Supply ở Brooklyn

NVCC

Sahra Nguyễn (35 tuổi) là một người Mỹ gốc Việt, sinh ra tại TP.Boston, tốt nghiệp ĐH UCLA, sau đó tham gia ngành làm phim tại NBC News. Cô chuyển hướng kinh doanh cà phê khi nhận ra các quán cà phê lớn quan tâm đến cà phê Việt Nam nhưng cà phê không có hương vị như cà phê bản xứ, không tương tác văn hoá cà phê Việt Nam như vốn có, trong khi Việt Nam là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới.

Cô liên kết với một gia đình nông dân tại Đà Lạt để tìm nguồn nguyên liệu, rang xay và phát triển cà phê Việt Nam tại Mỹ. Sahra Nguyễn cùng Nguyen Coffe Supply được rất nhiều tờ báo, tạp chí, hãng thông tấn, chương trình lớn tại Mỹ quan tâm, viết bài như tờ The Wall Street Journal, The New York Times, Fortune, đài CNN...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.