Bàn giải pháp phát triển kinh tế số trong bối cảnh bình thường mới

17/09/2021 11:01 GMT+7

Ngày 16.9, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các đơn vị tổ chức buổi tọa đàm cấp cao với chủ đề Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới nhằm vạch ra hướng phát triển sau dịch ( ảnh ).

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết hoạt động kinh tế số tại Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ tài chính, viễn thông, sản xuất máy tính và đồ điện tử, sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, kinh tế số vẫn còn đối diện với một số khó khăn, vướng mắc như môi trường thể chế và pháp lý còn yếu, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ; nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt; các hình thức kinh doanh mới phát triển nhanh làm cho các cơ quan quản lý nhà nước khá lúng túng trong quản lý...
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia và đại diện lãnh đạo cấp cao đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực thương mại điện tử, ứng dụng vận chuyển công nghệ... đã trao đổi các xu hướng phát triển mới của kinh tế số Việt Nam, làm rõ những cơ hội và khó khăn trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới mô hình kinh doanh.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, đề xuất việc đẩy mạnh hợp tác công tư giữa Chính phủ và các doanh nghiệp vận dụng nền tảng kỹ thuật công nghệ để vừa duy trì được hoạt động chống dịch vừa đẩy mạnh được hoạt động kinh tế số. Theo đơn vị này, thời gian vừa qua, TP.HCM và Hà Nội nằm trong giai đoạn giãn cách xã hội rất nghiêm ngặt, đặc biệt là ở TP.HCM. Có rất nhiều thử thách để có thể duy trì được chuỗi cung ứng.
Đại diện Grab đóng góp giải pháp đưa các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia được nhanh nhất vào thương mại điện tử vì đây là đối tượng huyết mạch đi len lỏi rất sâu vào môi trường phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dùng tại Việt Nam. Từ đó ưu tiên hỗ trợ rất nhiều cho những đối tượng kinh doanh truyền thống này như là chợ truyền thống, tạp hóa, các hộ kinh doanh cá thể ở các ngành nghề độc lập... có thể có được phương tiện vận hành dễ tiếp cận nhất và đơn giản nhất để cho họ không bị bỏ lại trong cuộc đua về kinh tế số và thương mại điện tử ở Việt Nam. Bên cạnh đó cũng cần một sự nhìn nhận đội ngũ shipper như là một thành phần mắt xích quan trọng trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Một điểm sáng thời gian qua đó là việc thanh toán không dùng tiền mặt tăng khá mạnh, trong bối cảnh người dùng muốn hoạt động an toàn khi sống chung với đại dịch. Số liệu năm vừa rồi của Grab cho thấy có đến 45% người dùng Grab giao dịch không sử dụng tiền mặt và xu hướng này đang gia tăng. Tháng 8 cùng kỳ năm ngoái, số lượng người lần đầu tiên tiếp xúc với việc thanh toán không tiền mặt trong dịch vụ đi siêu thị online trên Grab tăng gần 30%, và so với tháng trước đó lượng giao dịch không dùng tiền mặt tăng gần 150%.
Nhiều đơn vị cũng chia sẻ đề xuất, mong mỏi hoàn thiện thể chế tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số; cải cách và số hóa các cơ quan quản lý; khuyến khích và thúc đẩy mạnh việc thanh toán điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ, tạo cơ hội thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới.
Ông Nguyễn Đức Hiển cho biết Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu trong buổi tọa đàm này để nghiện cứu xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 10.2022.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.