Bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc-Nam

15/03/2022 15:23 GMT+7

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được xem là công trình trọng điểm quốc gia, hiện tiến độ thực hiện đang được gấp rút triển khai.

QL 19, đoạn đi qua Bình Định

dũng nhân

Ngày 15.3, tại Bình Định, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cho 4 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Dự án có chiều dài 353 km (bao gồm 5 dự án thành phần: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang).

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Dự án giải phóng mặt bằng chia làm làm 3 giai đoạn. Hôm nay chúng ta bàn giao hồ sơ giải phóng mặt bằng. Theo thẩm quyền hồ sơ này được phê duyệt để tiếp tục công tác giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 1 sẽ tập trung vào các địa hình bằng phẳng và yêu cầu độ chính xác cao tới 99%. Trong quá trình cắm mốc thực địa, có gì bất cập thì phải bổ sung ngay lập tức. Đây là tuyến đường cao tốc quan trọng nên buổi họp có sự có mặt của chính quyền các địa phương có đường cao tốc đi qua".

Ký kết giữa các địa phương tại cuộc họp

tâm ngọc

Trước đó, ngày 11.2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11.1 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc nói trên. Theo đó, Bộ GTVT tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương theo từng giai đoạn, cơ bản hoàn thành trước ngày 30.6.2022 để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Tuyến đường cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc - Nam phía Đông kéo dài từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến TP.Cà Mau dài khoảng 2.063 km. Giai đoạn 2021 - 2025 có 12 dự án được đầu tư đi qua 12 tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư 146.990 tỉ đồng theo hình thức đầu tư công.

Đại diện Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Đề nghị Bộ giao cho các địa phương làm chủ đầu tư, mở tài khoản để giải phóng mặt bằng. Không nhất định phải chờ tới 30.6 mà cắm cọc tới đâu làm tới đó. Khi thi công xong phải hoàn trả lại môi trường sạch".

Thứ trưởng Lê Đình Thọ tổng kết: "Sau cuộc họp phải có ban quản lý dự án tại các địa phương. Ai chịu trách nhiệm tới đâu phải phân công rõ ràng. Thông tin phải kịp thời, tránh để xảy ra các điểm nghẽn trong quá trình thực hiện. Giao giám đốc Sở GTVT các địa phương chịu trách nhiệm chính cho các vấn đề trong phạm vi dự án".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.