Như Thanh Niên đã thông tin, từ ngày 1.7, Nghị định 55/2024 quy định chi tiết một số điều của luật Bảo vệ người tiêu dùng sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh. Nội dung công bố công khai gồm: tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm; hành vi, địa bàn vi phạm; cơ quan ban hành, số, ngày, tháng, năm quyết định xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thời gian "bêu tên" kéo dài 30 ngày.
Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công thương mới đây cũng đề xuất bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT).
Không khó
Ủng hộ đề xuất xác thực tính chính danh của những đối tượng cung cấp dịch vụ TMĐT, bạn đọc (BĐ) Linh Thảo cho rằng: "Việc phối hợp giữa sàn TMĐT, người mua, người bán và các cơ quan chức năng thiết nghĩ không khó vì hiện nay mọi công dân đều có CCCD, mã số định danh. Vấn đề là người dân mong chờ sự vào cuộc quyết tâm, nói được làm được, hành động ngay, kịp thời". Tán thành, BĐ Minh Nghĩa cũng nhận xét một khi tính chính danh trở thành quy định bắt buộc thì "phương pháp răn đe bằng cách bêu tên người, cơ sở bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng mới thực sự khả thi".
Trong bối cảnh nở rộ mô hình TMĐT, không chỉ cơ quan chức năng gặp khó khăn trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa mà chính người tiêu dùng cũng "lười đôi co vì món hàng giá trị không đến đâu". BĐ Lưu chia sẻ: "Rất ủng hộ việc bêu tên người bán hàng online vi phạm pháp luật. Thực tế mua hàng trên mạng gặp lừa đảo hay hàng giả nhưng nhiều người đành bỏ qua, không quan tâm, vì số tiền nhỏ".
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng lúng túng khi gặp phải tình huống khó chịu khi mua hàng online mà "không biết phải giải quyết làm sao". BĐ Nguyễn Đức Long kể: "Mình vừa bị lừa mua hàng trên sàn TMĐT, họ giao cho mình cục sắt sau đó sàn báo là shop đã bị khóa, vậy mình phản ánh ở đâu? Ít nhất việc bêu tên người bán hàng online này sẽ khiến họ không có cơ hội mở cửa hàng online trên sàn TMĐT".
Thực thi ra sao ?
Mặc dù cảm thấy phấn khởi vì nhiều nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được tăng cường từ ngày 1.7, tuy nhiên không ít BĐ lại băn khoăn về cách thức các nội dung này được thực thi. BĐ Quỳnh Mơ đặt nhiều câu hỏi: "Ai sẽ thu thập thông tin về những người bán hàng online vi phạm đáng bị bêu tên? Các cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh có tiếp nhận thông tin trực tiếp từ người dân để xác minh không? Sau khi bị bêu tên sẽ có thêm hình thức xử phạt nào?". Cùng suy nghĩ, BĐ Gia Khang phân tích: "Câu chuyện thực thi quy định pháp luật rất quan trọng. Đã từng có những quy định được đưa ra nhưng khi áp dụng vào cuộc sống thì khó thực thi, đơn giản vì không có người thực hiện, hoặc chưa phù hợp với thực tế. Rất mong các cơ quan quản lý tập trung làm mẫu vài trường hợp điển hình, địa bàn điển hình… để người dân biết đến rộng rãi".
Nhận xét thêm về lợi ích của việc xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT, BĐ Thanh Nguyen cho rằng: "Điều này sẽ giúp quản lý việc thu thuế người bán hàng online, bán hàng qua sàn TMĐT đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng".
Đầu tiên nên quản lý thực phẩm bán qua kênh online. Hình thức này đang nở rộ rất nhiều nhưng việc quản lý chất lượng, trách nhiệm thì chưa thấy hiệu quả.
Ba Lê
Bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là cần thiết, như vậy mới "bêu tên" địa chỉ bán hàng online có vi phạm được.
Tuấn An
Ủng hộ việc làm này.
Hoàng Dũng Bùi
Bình luận (0)