Bán hàng qua điện thoại, nhu cầu đang tăng

18/01/2019 09:21 GMT+7

Telesales (bán hàng qua điện thoại) là nghề được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây.

Dù bị coi là nghề không được xã hội yêu mến, gây phiền phức, bực bội cho khách, song nhu cầu tuyển dụng ngày một tăng, đặc biệt phù hợp với bạn trẻ.

Cạnh tranh 1/26 ứng viên

Theo số liệu thống kê tính đến cuối tháng 12.2018 của VietnamWorks - trang tuyển dụng trực tuyến lớn nhất VN, nghề telesales có sự tăng trưởng cả về nhu cầu và nguồn cung.
Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng nhân viên telesales trên thị trường tuyển dụng trực tuyến tăng so với cùng kỳ năm 2017, số lượng công việc tuyển nhân viên tăng 12%. Về nguồn cung nhân lực cho vị trí này cũng tăng trưởng đến 32% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, tỷ lệ cạnh tranh trong tuyển dụng cho một vị trí telesales hiện là 26, có nghĩa cứ mỗi vị trí đăng tuyển thì có khoảng 26 hồ sơ ứng tuyển. Những lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng vị trí telesales nhiều nhất là: giáo dục/đào tạo, tài chính/ngân hàng, tư vấn/hỗ trợ/dịch vụ pháp lý. Dự báo về thị trường tuyển dụng năm 2019 của VietnamWorks, bán hàng (trong đó có telesales) vẫn tiếp tục tăng trưởng, đứng ở vị trí thứ 2 về nhu cầu tuyển dụng.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết nhu cầu sử dụng telesales trong kinh doanh hiện ngày một tăng. “Nếu như khoảng 5 - 7 năm trước, các doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng nhân viên chăm sóc khách hàng là chính, thì bây giờ nhiều doanh nghiệp từ viễn thông, bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, thẩm mỹ viện, du lịch nghỉ dưỡng, gia sư, trung tâm tiếng Anh, trung tâm thể hình… đều cần đến telesales. Họ sử dụng đội ngũ này vừa để bán hàng vừa tư vấn, tiếp thị sản phẩm, cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc, chốt đơn hàng và nhập dữ liệu nghiên cứu thị trường...”, ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, điều kiện tuyển dụng không quá khắt khe, chỉ cần ứng viên có giọng nói dễ nghe, lưu loát, có khả năng giao tiếp tốt; yêu thích công việc tư vấn kinh doanh, chăm sóc khách hàng; có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi... Mức lương cứng của nhân viên bán hàng qua điện thoại ở mức từ 5 - 7 triệu đồng/tháng hoặc trả theo giờ từ 20.000 - 25.000 đồng/giờ. Ngoài ra, nếu bán được hàng sẽ được hưởng hoa hồng theo doanh thu hợp đồng.

Nghề rèn sự kiên nhẫn

Telesales bị xem là cách thức bán hàng làm phiền người nghe, gây sự khói chịu cho nhiều khách hàng nhưng theo thạc sĩ Nguyễn Phan Anh, giảng viên Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và thương mại điện tử, ĐH Thương mại Hà Nội, thực chất đây vẫn là kênh bán hàng chi phí thấp.
Qua hoạt động bán hàng, thông tin sản phẩm, quảng cáo sản phẩm sẽ đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Theo ông Phan Anh, tỷ lệ các cuộc gọi thống kê thành công trong lĩnh vực giáo dục chỉ 1%, tức 100 khách hàng thì có 1 cuộc gọi thành công. Còn trong lĩnh vực bất động sản từ 1 - 2%. Nếu tính chi phí bỏ ra và kết quả thu về, nhiều doanh nghiệp vẫn cho đây là kênh bán hàng tốt. “Khi làm nghề này, các bạn trẻ rèn được tính kiên nhẫn trong công việc và các kỹ năng giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, mặt trái của nghề telesales là làm phiền khách hàng, bị khách hàng phản ứng, do vậy nghề này chỉ phù hợp với những người trẻ dưới 30 tuổi. Những người có tuổi dễ tự ái, dễ tổn thương thường không muốn làm công việc này”, thạc sĩ Phan Anh nói.
Mặc dù nhu cầu tuyển dụng luôn tăng, nhưng không ít bạn trẻ coi đây là việc làm tạm thời và không có tương lai. Ông Tăng Trị Trọng, Giám đốc kinh doanh cấp cao tại VietnamWorks, chia sẻ: “Sales là nghề có tỷ lệ chuyển đổi công việc cao, khoảng 30% hoặc hơn tùy vào lĩnh vực. Một phần do họ thiếu động lực, nhưng lý do lớn nhất là không phải ai cũng đủ khả năng để làm nghề sales lâu dài. Công việc này đòi hỏi nhiều kỹ năng như tìm kiếm, tiếp cận khách hàng, thu thập thông tin, phát hiện nhu cầu, trình bày giải pháp, xử lý tình huống, chốt đơn hàng và phục vụ trước, trong và sau bán hàng. Đặc biệt đối với nghề telesales, phải có khả năng giao tiếp truyền cảm, lắng nghe, nắm bắt tâm lý, trình bày nội dung mạch lạc và dễ hiểu”.
Theo ông Vũ Quang Thành, nhiều người coi đây là bước đệm chuẩn bị hành trang cho nghề nghiệp tương lai sau này, nhưng cũng có những người gắn bó lâu dài, được đào tạo bài bản trở thành những nhân viên sale, trưởng nhóm, giám đốc kinh doanh có mức thu nhập “khủng” lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng. Ông Thành cho rằng, telesales chưa được nhìn nhận đúng nghĩa. Nghề này giống như các nghề bình thường khác và là nghề mưu sinh của nhiều bạn trẻ hiện nay, nhất là sinh viên mới ra trường, hoặc sinh viên thực tập các khối ngành kinh tế, ngoại ngữ, tâm lý…
“Telesales là hình thức tiếp cận khách hàng trực tiếp và nhanh chóng, công việc tưởng như nhàn nhã nhưng thực tế không đơn giản. Trung bình mỗi ngày nhân viên telesales phải gọi hàng trăm cú điện thoại cho khách hàng, đa phần các cuộc gọi đều bị khách hàng từ chối, chọc ghẹo, tỏ thái độ khó chịu hoặc nghe những bực tức của khách hàng. Tuy vậy, không nghề nào có thể giúp bạn trẻ trưởng thành nhanh như nghề này. Công việc giúp cho các bạn trẻ thêm nhiều kinh nghiệm sống trong cách ứng xử, giao tiếp, bán hàng”, ông Thành bày tỏ.
Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh chia sẻ: “Tôi đã từng chứng kiến những bạn đam mê kinh doanh, có tinh thần ham học hỏi, cầu tiến. Họ khởi đầu với mức lương 5 triệu đồng nhưng khi tích lũy được kinh nghiệm, họ có thể có mức thu nhập lên tới 200 triệu đồng/tháng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.