(TNO) Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa ban hành Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh đại học với nhiều điểm mới.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ tổ chức thi 8 môn - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Theo quy chế thi THPT, kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại.
Hạn cuối đăng ký dự thi là trước ngày 30.4 hằng năm. Khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho hiệu trưởng trường phổ thông, hoặc thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi cho hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.
Quy chế chính thức quy định trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh chỉ được dùng giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của cùng một trường.
Mỗi thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả thi
Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) quy định: Sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển; các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành.
Đối với trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hoá kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển.
Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Mỗi thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh có quyền dùng 3 giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để đăng ký xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Mỗi giấy chứng nhận kết quả thi này có thể đăng ký xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường.
Mời các bạn tải về Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh đại học cao đẳng
Bình luận (0)