Những quan hệ của Trịnh Công Sơn với giới văn nghệ, trí thức tiếp tục gây chú ý với giới mật vụ, mong lần tìm ra một manh mối rõ ràng về “lập trường tranh đấu” của ông.
Với Khánh Ly
Mối quan hệ Trịnh Công Sơn với Khánh Ly cũng trở thành chủ đề thu hút dư luận vào thời điểm năm 1969; được đề cập sâu trong tập Phiếu trình nói trên.
Hình ảnh của Trịnh Công Sơn bên Khánh Ly gần như thần tượng của giới trẻ trí thức đô thị: anh chàng nhạc sĩ dáng thư sinh ôm đàn guitar thùng đệm những bản nhạc phản chiến cho cô ca sĩ chân trần có giọng ca quyến rũ bởi sự mộc mạc, tự do cất lên giữa những sinh viên đại học trong bối cảnh cuộc chiến tranh ngày càng leo thang.
Trong tài liệu điều tra của Bộ Thông tin Sài Gòn, mối quan hệ Trịnh Công Sơn với Khánh Ly cũng được “do thám” manh mối và phân tích khá kỹ. Thông tin được nhân viên của Bộ Thông tin thu thập “khi câu chuyện trao đổi tâm tình, khai thác qua khía cạnh tình cảm và liên hệ bạn bè, trong những bữa ăn thân mật, chén rượu mặn nồng, những đêm trò chuyện tâm đầu ý hiệp, Sơn không ngần ngại cởi mở và bộc lộ”.
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly biểu diễn tại Quán Văn, 1967 |
Tư liệu |
“Khi cha Sơn mất sớm, mẹ Sơn làm ăn buôn bán thất bại phần không có phương tiện ăn học, phần bị bệnh, Sơn buồn bã, chán nản và đã vào Sài Gòn. Rồi từ câu chuyện thương hại nữ ca sĩ Thanh Thúy, ứng khẩu thành thơ thành nhạc, từ đó Sơn đã mạnh dạn bước vào con đường khảo nhạc. Phần hoàn cảnh chi phối phần bị đau ốm, ngoại cảnh đã làm xúc động cuộc sống của Sơn, thế nên từ những nhạc phẩm tầm thường, Sơn đã mục kích những cảnh tượng của chiến tranh và sáng tác thêm những nhạc phẩm mà hầu hết nội dung đã nói lên thảm trạng đó. Sơn chán ghét cảnh chiến tranh tàn sát lẫn nhau, không chấp nhận một cuộc chiến giữa những người cùng một màu da, chủng tộc. Cũng vì vậy, “theo lời tiết lộ của Sơn”, khi Sơn gặp Khánh Ly, một người con gái mới tuổi đôi mươi mà đã sớm gặp cảnh éo le, Ly lấy một thanh niên lính không quân, được hai con thì mối tình kia bị dang dở, và sau đó Ly lại thầm yêu một sĩ quan không quân đó là trung tá Lưu Kim Cương, nhưng chẳng được bao lâu thì mối tình này cũng bất hạnh vì Kim Cương đã tử trận. Sơn có cơ hội quen Cương, rồi đến quen tướng Kỳ (Nguyễn Cao Kỳ - NVN), tướng Loan (Nguyễn Ngọc Loan - NVN) để hằng đêm Ly đưa Sơn vào câu lạc bộ không quân Huỳnh Hữu Bạc hát cho các vị nầy nghe”, Phiếu trình nói trên viết.
Rời căn phòng khách sạn Catinat
Những mối quan hệ bạn bè và hành tung của nhạc sĩ tại Sài Gòn cũng được ghi chép lại một cách chi tiết như: “Đêm đến Sơn cùng vài bạn bè đến trà thất Đêm Màu Hồng ngồi uống rượu, nghe Khánh Ly, Lệ Thu hát những tác phẩm của mình, cũng có khi chính Sơn lên hát”. Quán (phòng trà) Đêm Màu Hồng là nơi gặp gỡ của giới văn nghệ sĩ tinh hoa Sài Gòn trước 1975. Vì là chỗ thường xuyên đi lại của Trịnh Công Sơn nên “lai lịch” Đêm Màu Hồng cũng được mật vụ làm rõ: “Quán Đêm Màu Hồng do ban nhạc Thăng Long thuê với sự cộng tác của ca sĩ Joe Marcel (người Việt) một ca sĩ chuyên nhạc ngoại quốc giựt gân, cùng với hai nữ ca sĩ Khánh Ly, Lệ Thu và tọa lạc trong một căn phòng ấm cúng của cửa vào khách sạn Catinat đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn. Đa số khán giả thuộc giới trẻ, thanh niên, sinh viên”.
Không chỉ Đêm Màu Hồng, quán Gió và Thơ tại đường Võ Tánh và Trần Quang Khải có khách hàng là sinh viên cũng thường có những đêm nhạc Trịnh. Tất thảy được nhắc tên trong bản báo cáo điều tra. Mật vụ văn hóa đã lần theo đến “nhiều quán nhỏ khác không thuần túy dành cho giới trẻ, nhưng họ vẫn dùng băng nhạc của Trịnh Công Sơn để thu hút khách hàng thưởng thức, nhưng về sau này học sinh sinh viên đến nghe cũng đông, đó là quán Yên Đỗ. Ngoài Sài Gòn ra, tại Đà Lạt, Nha Trang, Huế, những loại quán này cũng thịnh hành, thu hút hầu hết giới trẻ” và “Sơn không những sống luôn ở Sài Gòn, mà thỉnh thoảng được bạn bè hoặc các Tổng hội Sinh viên mời lên Đà Lạt, Huế, Cần Thơ...”.
Văn bản cũng tiết lộ một chi tiết, khi cái tên Trịnh Công Sơn có ảnh hưởng lớn, ông Nguyễn Cao Kỳ đã ra lệnh phụ tá của mình là Đặng Đức Khôi lo cho nhạc sĩ này một chỗ ở sang trọng trong nửa tháng - đó là căn phòng trong khách sạn Catinat do ông Trần Quý Phong làm giám đốc. Sau đó, họ thuyết phục Trịnh Công Sơn đi Paris “làm lợi khí tuyên truyền đấu tranh chính trị cho họ”, nhưng nhạc sĩ “nhờ bạn bè khuyên răn”, đã từ chối. “Gần đây, khi phái đoàn của Phó Tổng thống Kỳ trở lại Paris, chính Khôi đã hớt hải đi tìm Sơn để mời Sơn cùng qua Paris, nhưng đã muộn, Sơn không còn là con cờ để ai lợi dụng cũng được”.
Thời bấy giờ, báo chí Mỹ và phương Tây có đưa tin về việc Trịnh Công Sơn bị cảnh sát Sài Gòn bắt giam. Tuy nhiên, văn bản này cũng thể hiện rằng chính Trịnh Công Sơn đã cải chính “về một số bài báo nói về Sơn bị bắt”. Văn bản cũng hé lộ thông tin rằng, với các chính khách VNCH, thì ngoài Thủ tướng đương thời Trần Văn Hương, một người nữa, “không riêng gì Sơn mà hầu hết thanh niên, sinh viên kỳ vọng” là đại tướng Dương Văn Minh.
(còn tiếp)
Bản hồ sơ mật về Trịnh Công Sơn
Bình luận (0)