Tấm gương trung dũng của Đô đốc Bùi Thị Xuân luôn được đời sau ca ngợi. Bà đã cùng Quang Trung Nguyễn Huệ chinh chiến nhiều năm bảo vệ sơn hà, khi Quang Trung mất đã trăn trối nhờ vợ chồng bà phò tá vị vua trẻ Cảnh Thịnh (Quang Toản). Nhưng sau đó gian thần đã lộng hành, sàm tấu cùng vua khiến Cảnh Thịnh gây cho Bùi Thị Xuân - Trần Quang Diệu nhiều lao đao, oan ức. Tuy nhiên vợ chồng bà vẫn trung thành bảo vệ cơ nghiệp Tây Sơn.
Nhưng nhà Tây Sơn đã suy yếu, bị Gia Long đánh bại, và Bùi Thị Xuân - Trần Quang Diệu bị bắt. Trọng nhân tài, Gia Long khuyên họ quy phục nhà Nguyễn, nhưng họ nhất định giữ gìn khí tiết. Gia Long xử họ và cả đứa con rất nặng.
Nghệ sĩ Bình Tinh là dân tuồng cổ nhưng cô được tin cậy giao cho vai Bùi Thị Xuân quả thật là con mắt tinh tường của đạo diễn. Vai này hầu như xuất hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối vở, và ca, diễn, vũ đạo rất nhiều, khán giả quá nể không hiểu sao với vóc dáng nhỏ nhắn mà Bình Tinh có nội lực mạnh mẽ đến như vậy, ca không hụt hơi chút nào, vũ đạo rất đẹp, diễn bừng bừng khí thế làm cháy cả tim người xem. Và đến đoạn đau lòng khi xa con, xa chồng, Bình Tinh diễn bi cũng ngọt lịm, khiến người ta rơi nước mắt. Kép đẹp Minh Trường vai Trần Quang Diệu cũng nhận được những tràng pháo tay giòn giã vì giọng ca Chuông vàng vọng cổ 2014 vẫn tuyệt vời và diễn xuất thì xứng đáng là thế hệ kế thừa của cải lương. Cả một ê kíp gồm nghệ sĩ Vũ Thành, Hoàng Quốc Thanh, Công Minh, Hoàng Phương, Trọng Nhân, Bảo Ngọc… đều ca diễn chỉn chu.
Hai tiếng rưỡi đồng hồ không giải lao, khán giả bị cuốn theo cách kể chuyện của đạo diễn Lê Nguyên Đạt. Anh rất giỏi sử dụng những chiêu thức khiến vở diễn không đơn điệu, mà đầy màu sắc, biến hóa, thậm chí kết hợp cả hát bội khiến nghệ thuật truyền thống được tôn vinh, ký ức sân khấu xưa như được sống dậy. Lê Nguyên Đạt rất mê sử, mỗi lần dựng vở sử, anh đều thổi vào đó sức sống mới, đẩy tiết tấu nhanh hơn, đưa nét hiện đại vào nhưng vẫn giữ được hồn cốt xưa, thế mới hay!
Bình luận (0)