Pháp chỉ cần Lloris “tròn vai”
Trong bối cảnh thủ môn các đội Argentina, Croatia, Ma Rốc đều gây tiếng vang, góp công quan trọng đưa đội bóng của họ vào vòng bán kết, thì thủ môn Pháp là trường hợp duy nhất trong số các đội còn lại gần như yên ắng hoàn toàn. So sánh với Yassine Bounou (Ma Rốc), thủ môn Pháp Hugo Lloris quả đang thua xa, xét cả trên sự thể hiện lẫn các số liệu thống kê.
Kể từ đầu giải, chưa có trận nào Pháp không thủng lưới. Thống kê đáng lo ngại cho giới hâm mộ Pháp: kể từ khi World Cup có thể thức đá loại trực tiếp từ vòng 1/8 trở đi (bắt đầu từ năm 1986), không có nhà vô địch nào luôn thủng lưới cho đến trước vòng bán kết! Nhược điểm ở vị trí thủ môn của tuyển Pháp thật ra là đã rõ ràng từ nhiều năm nay. Lloris luôn là thủ môn số 1 chẳng qua vì bóng đá Pháp không còn thủ môn đáng kể nào khác. Cũng từng có lúc, Lloris chịu tai tiếng là hay mắc lỗi cá nhân dẫn đến bàn thua.
Thủ môn Yassine Bounou làm nên sức mạnh trong hệ thống phòng ngự của Ma Rốc |
AFP |
Tất nhiên, Pháp vẫn là ứng viên vô địch đáng gờm. Chỉ cần Lloris tỏ ra “tròn vai” thì rất khó tìm ra điểm yếu nơi đội ĐKVĐ. Có chăng chỉ là chút băn khoăn về đặc điểm “khinh địch”. Đành rằng Pháp thua cả Tunisia trong trận thủ tục cuối vòng bảng vì họ chỉ dùng lực lượng dự bị. Vấn đề là ngay cả lực lượng dự bị ấy cũng vẫn hơn về đẳng cấp so với đội hình Tunisia, và Pháp thua trận ấy là vì chủ quan. Bài học thua Tunisia, và sự thể hiện không mấy thuyết phục trong trận tứ kết với Anh có thể đã được HLV Didier Deschamps rút ra kinh nghiệm. Mặt khác, hẳn nhiên ông Deschamps không thể xem thường Ma Rốc, sau khi chứng kiến đội này lần lượt loại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ra khỏi cuộc chơi.
Điểm mạnh đáng kể của Pháp thì khó mà liệt kê cho hết. Ngoài tài năng cá nhân của Mbappe hoặc Griezmann, Pháp còn đáng gờm trong lối chơi đồng đội. Họ muốn khai thác tốc độ và kỹ thuật của Mbappe hoặc Dembele, hay trông chờ khả năng ghi bàn của trung phong “kiểu cũ” Giroud đều được. Họ tấn công hoặc phòng ngự - phản công đều hay. Sở dĩ Ma Rốc loại được Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là vì một nguyên nhân lớn: các đội ấy có lối chơi bất biến. Pháp lại khác hẳn.
Ma Rốc chơi được hơn khả năng thực
Thực tế lạnh lùng vẫn không bao giờ thay đổi: kể cả khi đã gây “địa chấn”, được cả thế giới khâm phục, thì Ma Rốc vẫn cứ phải ở… kèo dưới. Hành trình lịch sử của Ma Rốc tại giải này trước tiên được xây dựng trên lối chơi đồng đội, lấy phòng thủ làm nền tảng. Ma Rốc mà chưa thủng lưới thì cơ hội chiến thắng của họ vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí là tăng lên đáng kể nếu họ kéo được trận đấu vào màn thi sút luân lưu 11 m. Ngược lại, muốn thắng thì phải ghi bàn, phải có sức tấn công đáng kể. Hoàn cảnh giả định: thủng lưới trước, Ma Rốc sẽ phải chơi như thế nào?
Sức tấn công không cao là nhược điểm có lẽ đã lên đến mức miễn bàn nơi đội bóng đang cực kỳ thành công này. Tất nhiên, Ma Rốc đã ghi bàn để thắng Bỉ hoặc Bồ Đào Nha. Vấn đề là số cơ hội mà họ tạo ra suốt từ đầu giải đến nay là không nhiều. Trong bóng đá đỉnh cao, việc bạn ghi bàn có thể không nói lên rằng bạn có sức tấn công đáng kể.
Ưu điểm phòng ngự của Ma Rốc thì không cần giới thiệu nữa. Cũng chính vì phòng thủ theo hệ thống chiến thuật và tinh thần bất khuất, kể cả khi Ma Rốc không đưa ra được hàng hậu vệ tối ưu về nhân sự, đối thủ cũng rất khó vượt qua được “biển người” trước khung thành Ma Rốc. Yassine Bounou đáng được xem là thủ môn xuất sắc nhất giải tính đến lúc này…
Quan trọng nhất: trong bức tranh toàn cục thì Ma Rốc chính là đội có phong độ, tinh thần, khí thế cao nhất trước vòng bán kết. Cả thế giới Ả Rập đang trở thành CĐV cuồng nhiệt cho đội bóng này. Gần như có thể nói chắc: sự tập trung tinh thần của Ma Rốc trong trận bán kết sẽ ở mức độ cao nhất có thể. Tất cả dẫn đến một điều làm cho mọi chuyện trở nên khó lường: Ma Rốc chơi được ở mức độ cao hơn khả năng của chính họ.
Bình luận (0)