Sẽ khiến ùn tắc gia tăng ?
Theo đó, TP sẽ thí điểm tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt trên từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Lý Thái Tổ, dài 3,6 km và từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Dân Chủ trên đường Võ Thị Sáu, dài 2,2 km. Thời gian ưu tiên cho xe buýt trong 2 giờ cao điểm buổi sáng và 3 giờ cao điểm buổi chiều các ngày trong tuần. Mỗi làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ có chiều rộng 3,25 m, được phân cách với phần đường còn lại bằng rào chắn cứng kết hợp với dải phân cách mềm.
Ngoài xe buýt, xe công an, xe cứu thương, cứu hỏa, xe mini buýt, xe khách từ 12 chỗ trở lên cũng được lưu thông vào làn đường dành cho xe buýt.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP, cho biết hội đồng đã đồng ý với quan điểm phải có làn đường ưu tiên cho xe buýt, song đang yêu cầu trung tâm xem xét rõ hơn các yếu tố như lựa chọn tuyến đường, phương án phân luồng, giờ giấc...
Trả lời Thanh Niên, một chuyên gia thuộc Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP cho biết lý do đề án này chưa được thông qua là do chưa đạt được những yêu cầu đề ra về hiệu quả, vì hai tuyến đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu đều có mặt đường hẹp, hiện đã quá tải vào giờ cao điểm. Trong bối cảnh người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, việc dành riêng làn ưu tiên cho xe buýt trên hai tuyến này không những chưa thể thu hút người dân mà còn nguy cơ tăng ùn tắc, dẫn đến thí điểm thất bại, gây phản cảm, khó để triển khai nhân rộng tại các tuyến đường khác.
Phép thử phải chọn nơi khó
Lý giải cho việc chọn cặp đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ để làm thí điểm, ông Trần Chí Trung cho biết: hai tuyến đường này nằm trên trục kết nối chính giữa Bến xe Chợ Lớn và làng Đại học Quốc gia, do đó nhu cầu sử dụng rất cao, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Xe buýt muốn hoạt động hiệu quả phải đảm bảo nguyên tắc đầu tiên là đúng giờ. Hiện phương tiện cá nhân chiếm dụng quá nhiều diện tích đường, xe buýt không có chỗ chạy, đến trễ, chậm giờ nên mới bị ghẻ lạnh.
“Việc bố trí đường dành riêng cho xe buýt ở những tuyến đường có mật độ giao thông cao, hay xảy ra ùn tắc nhất, thì người dân mới thấy ngay được hiệu quả trong việc tăng tốc độ di chuyển của xe buýt. Từ đó góp phần thúc đẩy họ sử dụng xe buýt nhiều hơn”, ông Trung nói.
Đồng quan điểm, PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông - Trường đại học Bách khoa TP.HCM, nhận định xe buýt phải được chạy ưu tiên, có làn đường riêng, tách khỏi dòng xe cá nhân thì mới có thể hoạt động hiệu quả và phát triển. Nếu thí điểm ở các làn đường rộng, lưu lượng thoáng, ít xe cộ thì không cần ưu tiên xe buýt vẫn có thể chạy được. Tuyến đường càng huyết mạch, càng đông đúc càng cần làm phép thử.
Theo TS Phạm Xuân Mai, hiện đường Điện Biên Phủ có 4 làn xe, 2 đầu thoát đoạn ngã bảy Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng khá thông thoáng, ít tắc đường, đảm bảo nếu có làn ưu tiên xe buýt vẫn có thể lưu thông dễ dàng xuyên suốt. Tuy nhiên đường Võ Thị Sáu khó khăn hơn do đường hẹp, giao lộ cuối đường 3 Tháng 2 - Cách Mạng Tháng 8 thường xuyên ùn tắc, có được ưu tiên thì chạy đến đoạn này xe buýt vẫn phải xếp hàng chờ qua vòng xuyến, ùn vẫn hoàn tắc. Do đó, cần làm cầu vượt giải quyết ùn tắc nút giao này, song song, khởi động lại hệ thống 5 đường trên cao để tạo thành một hành lang riêng cho xe buýt.
Bình luận (0)