Lăng kính bạn đọc:

Băn khoăn đề xuất thu thuế tiền gửi tiết kiệm

Trí Minh
(tổng hợp)
20/02/2025 06:11 GMT+7

Việc tính thuế tiền gửi tiết kiệm lại được đề xuất khi sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân. Nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng chưa nên áp dụng trong những năm tới.

Như Thanh Niên đã thông tin, trong dự thảo tờ trình mới nhất đề nghị xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thay thế gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về nhóm thu nhập khác thuộc diện chịu thuế TNCN. Tờ trình dẫn thu nhập một số nước đang áp dụng tính thuế, trong đó có lãi tiền gửi ngân hàng.

Băn khoăn đề xuất thu thuế tiền gửi tiết kiệm - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên thu thuế tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng

Ảnh: Ngọc Thắng

TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết về bản chất, tiền gửi tiết kiệm là kênh đầu tư thì chịu thuế cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, với tình hình thực tế của Việt Nam, không nên áp dụng vì sẽ lợi bất cập hại.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hội Doanh nhân TP.HCM, phân tích rằng tiết kiệm có 2 dạng. Một là tiết kiệm của người lao động, hai là gửi tiết kiệm như một khoản đầu tư tiền tệ hưởng lãi cao. Đối với đối tượng thứ hai thì cần điều tiết thuế để tạo công bằng xã hội, tăng thu ngân sách, hướng dòng tiền vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho rằng nếu đưa thu nhập lãi tiết kiệm vào tính thuế thì cũng phải cân nhắc mức bao nhiêu, biểu thuế lũy tiến như thế nào để có thể đúng mục tiêu đề ra.

Dù thừa nhận việc một số nước tính thuế thu nhập từ tiền lãi là hợp lý, nhưng PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng Việt Nam chưa nên tính thuế tiền lãi tiết kiệm thời điểm này. "Nếu tính thuế trên số tiền gửi tiết kiệm thì chẳng khác nào đánh thuế hai lần trên một khoản thu nhập. Bởi người làm công ăn lương sau khi trừ đi thuế, còn dư một phần tiền gửi tiết kiệm mà số tiền này lại tính thuế lần nữa thì không hợp lý. Trong trường hợp chỉ tính thuế trên phần lãi mà ngân hàng trả cho người gửi tiền thì sẽ hợp lý hơn, vì tiền đẻ ra tiền, tạo ra thu nhập thì chịu thuế".

Sao lại thu thuế tiền để dành ?

Đa số bạn đọc (BĐ) không đồng tình với việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm. BĐ Binh Vu phản ứng: "Rất vô lý, tiền tiết kiệm là phần còn lại sau tiền lương, đã bị thu thuế TNCN, bây giờ lại tính thêm thuế". Cùng góc nhìn, BĐ Hiển Long đặt câu hỏi: "Để có khoản tiền tiết kiệm này thì người dân đã phải đóng thuế TNCN rồi, sao lại phải đóng thuế thêm lần nữa ?".

Trên thực tế, đề xuất tính thuế nói trên từng được nêu ra từ năm 2005, với tỷ lệ 10% tiền lãi gửi tiết kiệm, tiền gửi ngân hàng, trái phiếu, kỳ phiếu của người gửi. Năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đề xuất đánh thuế thu nhập với khoản tiền gửi tiết kiệm 1 tỉ đồng trở lên.

"Ý kiến này cứ nhen nhóm lại hoài. Nó bất khả thi, làm suy yếu nền kinh tế nếu áp dụng, vì ngân hàng chủ yếu lấy cho vay từ nguồn này. Mặt khác, tôi đi làm, đã đóng thuế TNCN rồi, nay có dư một ít gửi tiết kiệm để dưỡng già, vậy mà lại bị chồng thêm một lần thuế nữa. Xin đừng làm thế, được rất ít, nhưng tác hại thì nhiều", BĐ Van Kai Ly nhìn nhận.

BĐ Trần Cương bày tỏ: "Mức giảm trừ gia cảnh cho người đóng thuế TNCN bàn mãi không thấy điều chỉnh nâng lên, giờ có thêm đề xuất thu thuế tiền gửi tiết kiệm nữa thì dân lao động sẽ rất vất vả".

Cân nhắc lợi và hại

Theo TS Nguyễn Ngọc Tú, ở các nước phát triển, tiền gửi tiết kiệm thuộc diện chịu thuế vì thu nhập của người dân ở mức cao, an sinh xã hội tốt đảm bảo cho cuộc sống của họ. Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân khuyến cáo trong trường hợp chính sách thuế không đồng bộ giữa các kênh đầu tư thì dòng tiền sẽ chạy từ chỗ này sang chỗ khác.

"Nếu tính thuế trên tiền gửi tiết kiệm, tới một lúc nào đó ngân hàng buộc phải tăng lãi suất tiền gửi để thu hút và giữ chân khách hàng. Người chịu thuế này chủ yếu là người đi vay", BĐ Van Dong Nguyen dự báo.

Đồng quan điểm, BĐ hoanglocphat879 phân tích: "Đánh thuế lãi tiết kiệm, thì người dân rút vốn để đầu cơ nhà đất, vàng. Ta chưa đánh thuế được bất động sản thứ hai, vậy nên nhà đất sắp được thổi giá rồi. Người dân rút vốn ra, người đi vay lại bị lãi cao. Một vòng luẩn quẩn".

Mở rộng vấn đề, BĐ Mỹ Toàn cho rằng: "Thay vì đánh thuế tiền lãi tiết kiệm, chúng ta nên nghĩ cách tạo thêm nhiều việc làm cho người dân rồi đánh thuế trên thu nhập tăng thêm sẽ ích nước lợi nhà".

"Tất cả các ý kiến đề xuất cần cân nhắc cẩn thận. Nếu đánh thuế vào tiền gửi tiết kiệm hay tiền lãi từ tiết kiệm có thể gây ra hệ quả như thế nào? Mong các chuyên gia nghiên cứu vì quyền lợi của người dân và đất nước", BĐ Tuan Duong Van đề đạt.

* Tiền gửi ngân hàng nhiều thì doanh nghiệp có lợi khi vay để sản xuất. Giờ tính đánh thuế tiền gửi thì người dân rút ra mua bất động sản.

Bạn đọc mới

* Thu thuế tiền gửi tiết kiệm kiểu này thì dân lại mua vàng cất vào két sắt.

Doan Hai

* Nếu đánh thuế tiền gửi ngân hàng thì chúng ta được một, mất 10.

Quangvinh19841985

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.