|
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bình Định, các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS các xã bãi ngang thuộc Phòng GD-ĐT huyện Tuy Phước và UBND xã Phước Hòa do xác định sai đối tượng được hưởng phụ cấp là cán bộ hợp đồng trong định biên và xác định sai thời điểm trúng tuyển công chức, viên chức, nên đã chi sai 2,284 tỉ đồng tiền phụ cấp thu hút và phụ cấp công tác lâu năm. Tương tự, Phòng GD-ĐT TP.Quy Nhơn cùng UBND các xã bãi ngang chi sai tổng cộng 1,189 tỉ đồng. Riêng ở huyện Hoài Nhơn, tuy đã chi sai 821 triệu đồng nhưng đã chủ động thu hồi, chỉ còn lại 129 triệu đồng.
Còn huyện Phù Mỹ chi sai trên 5,464 tỉ đồng, huyện Phù Cát chi sai trên 6,887 tỉ đồng. Trường có số tiền chi sai cao nhất H.Phù Cát là Trường THCS Cát Minh với trên 636 triệu đồng. Tiếp chúng tôi, thầy Phạm Văn Ba, Hiệu trưởng trường ngậm ngùi cho biết: “Có 71 giáo viên bị truy thu khoản hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ bản, tương ứng với số tiền 7,3 triệu đồng một người. Ở quê, số tiền này không nhỏ, nhưng so với khoản tiền mà giáo viên hợp đồng phải nộp thì lại chẳng thấm vào đâu cả. 7 giáo viên hợp đồng của nhà trường phải trả lại tổng cộng 110 triệu, người ít nhất 16 triệu, nhiều nhất là 41 triệu đồng”.
Trường hợp phải trả 41 triệu đồng là thầy giáo Phạm Văn Hưng (32 tuổi). Thầy Hưng rầu rĩ cho biết: “Số tiền nhận được thì cũng nhận rỉ rả trong 3 năm. Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống. Giờ tôi mới lập gia đình và có con, con lại sinh non ốm yếu phải chạy chữa nhiều nơi tốn kém. Đòi lại một lúc mấy chục triệu như thế thì làm khó chúng tôi quá!”.
Sau khi nghe thông tin thu hồi lại số tiền trên, thầy hiệu trưởng và tập thể giáo viên trường đã thống nhất thu mỗi người 2 triệu đồng/tháng trừ dần. Tuy nhiên, cũng có trường hợp như một nhân viên hợp đồng thiết bị phải trả lại 16 triệu nhưng lại không thể trừ lương như mọi người vì mỗi tháng anh này chỉ nhận được 1,9 triệu đồng. “Nếu bị trừ thì chẳng còn tiền để đổ xăng xe nữa, chứ nói gì đến ăn uống”, thầy Ba cho biết.
Ông Đặng Hữu Lộc, Trưởng phòng GD-ĐT H.Phù Cát cho rằng vì Thông tư số 08/2011 của liên Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 quy định không rõ về đối tượng áp dụng nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc trên: “Nếu Thông tư 08 chỉ cần nêu đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức và người làm theo chế độ hợp đồng… rồi mở ngoặc đóng ngoặc theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17.11.2000 của Chính phủ (bao gồm lái xe, bảo vệ, bảo trì, sữa chữa…) thì chắc chắc sẽ không có việc chi sai như thế này”.
Tâm Ngọc
Bình luận (0)