Băn khoăn những câu chuyện trong tiết chào cờ của hiệu trưởng

08/11/2022 07:05 GMT+7

Với nhà trường phổ thông, một trong những hoạt động giáo dục đặc thù, quan trọng, đó là tiết chào cờ vào thứ hai mỗi tuần. Hiệu trưởng vừa 'biên kịch', 'đạo diễn' vừa là 'diễn viên chính' của hoạt động chào cờ đầu tuần.

Một năm học có khoảng 35 tuần thực học, vị chi gần 30 tiết thầy trò chào cờ đầu tuần do có những ngày thứ hai rơi vào ngày nghỉ lễ, ảnh hưởng thời tiết

Trường quy mô nhỏ cũng vài trăm học sinh, ở những trường quy mô lớn, có nghìn học sinh và nhiều hơn. Chào cờ vừa là tiết dạy học vừa là hoạt động trải nghiệm, đòi hỏi hiệu trưởng có kế hoạch giáo dục. Hiệu trưởng, chính vì thế, vừa “biên kịch”, “đạo diễn” vừa là “diễn viên chính” của hoạt động chào cờ đầu tuần.

Hãy để mỗi thứ hai hàng tuần, tiết chào cờ mang năng lượng tích cực cho giáo viên, học sinh, phụ huynh

nhật thịnh

"Kể tội" học sinh

Tuần rồi, một sáng đi bộ thể dục ngang qua trường học đúng vào lúc hiệu trưởng nói chuyện với học sinh. “Bệnh nghề nghiệp”, tôi dừng lại lắng nghe câu chuyện dưới cờ. Cường độ âm của thầy hiệu trưởng lớn dần qua việc thầy “kể tội” học sinh tuần qua. Nào là, học sinh đánh nhau, sử dụng điện thoại di động không đúng quy định, nam sinh hút thuốc lá trong nhà vệ sinh, cúp học…Thầy cảnh cáo, như thế là vi phạm nội quy, trường sẽ xem xét kỷ luật nghiêm khắc. Sau 30 phút “răn đe” học sinh, đến đại diện các tổ chức khác trong nhà trường thuyết giảng rất “văn mẫu”. Hết tiết chào cờ, nhiều học sinh uể oải vào tuần học mới. Tôi lững thững đường về nhà mà lòng băn khoăn…

Nêu tên học sinh làm tổn thương các em

Mới đây, dư luận bức xúc chuyện xảy ra tại một trường tiểu học. Giờ chào cờ, thầy hiệu trưởng nêu tên mấy em chưa đóng bảo hiểm y tế năm học 2022-2023. Trẻ con thì chuyện gì mà không về mách ba, méc mẹ. Nghe chuyện, vị phụ huynh tức khí, xách dao lên trường bắt thầy hiệu trưởng quỳ gối ở sảnh chào cờ để xin lỗi trước sự chứng kiến của giáo viên và học sinh nhà trường. Hành vi nông và tệ của phụ huynh bị dư luận lên án, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố bị can - phụ huynh xách dao vào trường đe dọa, bắt hiệu trưởng quỳ xin lỗi - để điều tra về hành vi “làm nhục người khác”. Nhìn nhận vụ việc, rất nhiều người nhận định, trong sự việc trên thì “nhà trường sai 8, phụ huynh sai 10”. Vậy xử lý hiệu trưởng sao đây?

Có ý kiến, hiệu trưởng nhiệt tình với thu bảo hiểm y tế là vì “phần trăm”. Kinh phí chi thù lao bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên được thực hiện theo Quyết định 2222/BHXH ngày 16.8.2022 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ban hành mức chi thù lao cho tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và các cơ sở giáo dục (năm học này là 2,3% trên tổng thu). Khoản này chia cho thầy cô, trong đó có hiệu trưởng.

Có ý kiến, do áp lực thi đua nên hiệu trưởng phải bằng mọi cách để đạt chỉ tiêu 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế. Giá mà, trong tiết chào cờ, hiệu trưởng khéo léo trao đổi. Số học sinh này thường là con em gia đình khó khăn, hoặc, phụ huynh chưa đồng thuận mua bảo hiểm y tế. Nêu tên học sinh làm tổn thương các em; lấy học sinh làm khó phụ huynh, vô hình trung làm xấu phụ huynh là biện pháp dở và vụng.

Chào cờ vừa là tiết dạy học vừa là hoạt động trải nghiệm, đòi hỏi hiệu trưởng có kế hoạch giáo dục

nhật thịnh

Đừng để bị “thổi việt vị”

Ở trường, hiệu trưởng có cảm xúc nhiều và theo chiều khác nhau. Kiểm soát cảm xúc để mỗi lời nói, hành động, tin nhắn… của mình luôn sâu lắng, ngay ngắn, chính xác là kỹ năng quan trọng, đòi hỏi chủ thể sử dụng nghiêm cẩn tuyệt đối!

Qua lăng kính của đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh và mạng xã hội, mỗi lỗi sai của hiệu trưởng (nếu có) luôn bị nâng cấp độ, gây hiệu ứng khó lường. Cách đây ít hôm, có hiệu trưởng sau khi đi một vòng các lớp, đã nhắn tin yêu cầu thầy cô là giáo viên chủ nhiệm cần chấn chỉnh, trong đó có nội dung: “Không được bố trí nam nữ ngồi chung bàn, đặc biệt là các em nam/nữ có vấn đề về giới tính (đồng tính nam/nữ), cần được bố trí ngồi riêng”. Việc này vấp phải phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng, nhiều người cho rằng hiệu trưởng kỳ thị giới tính… Tình thương, sự quan tâm khi bị diễn đạt tối nghĩa, hiệu trưởng phải nhận điểm trừ cho công tác quản lý!

Chào cờ là tiết học lớn, góp phần rèn kỹ năng giao tiếp, ứng xử giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, giữa thầy cô với trò, giữa trò với trò. Nặng phê bình, trách cứ, nêu tên học sinh (phạm lỗi) trong tiết chào cờ, chưa đầu tư nội dung cho tiết chào cờ, không chỉ đánh mất cơ hội để hiệu trưởng chu toàn trách nhiệm, mà có thể khiến hiệu trưởng bị “thổi việt vị”.

Không dừng lại ở đó, chệch hướng trong tiết học lớn sẽ kéo theo bất ổn trong các tiết học của thầy cô giảng dạy ở lớp mình phụ trách. Chỉ 1, 2 tiết trắc trở trong hàng nghìn tiết dạy - học ở trường thì khó nói trước được điều gì sẽ đến!

Đừng nặng phê bình, trách cứ, nêu tên học sinh (phạm lỗi)

Sách báo phong phú, nhiều nội dung hay, thiết thực cho công tác quản lý của hiệu trưởng nói chung, cải tiến hình thức, nội dung tiết chào cờ nói riêng. Hiệu trưởng hãy chăm đọc, chắt lọc nội dung, linh hoạt phân công (trong ban giám hiệu, các đoàn thể), sâu sát trường lớp, gia công chuẩn bị, luyện tập - thực hành, chỉn chu cảm xúc.

Được thế, mỗi thứ hai hàng tuần, tiết chào cờ mang năng lượng tích cực cho giáo viên, học sinh, phụ huynh. Dạy học là kiến tạo cảm xúc để người học và người dạy nghĩ mực thước, sống khoan dung, làm việc hiệu quả - nguồn học liệu dạt dào cho 1.001 câu chuyện dưới cờ của hiệu trưởng …

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.