Băn khoăn phạm vi thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên

29/11/2016 15:54 GMT+7

Tòa gia đình và người chưa thành niên hoạt động thí điểm tại TP.HCM được 6 tháng với thẩm quyền riêng biệt xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình, các vụ án dân sự, hình sự liên quan đến người chưa thành niên.

Cần xác định lấy trẻ em làm trọng tâm trong việc xét xử các vụ án tại Tòa gia đình và người chưa thành niên (GĐVNCTN), tuy nhiên, việc phân định phạm vi thẩm quyền xét xử đối với Tòa GĐVNCTN như thế nào, nhất là trong các vụ án hỗn hợp để đảm bảo quyền lợi người chưa thành niên là vấn đề mà các đại biểu còn băn khoăn khi phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng hoạt động của Tòa GĐVNCTN TAND TP.HCM diễn ra ngày 29.11.
6 tháng, thụ lý giải quyết hơn 550 vụ
Theo báo cáo của TAND TP.HCM, ngày 30.3, Chánh án TAND tối cao đã ban hành quyết định thành lập Tòa GĐVNCTN hoạt động thí điểm tại TP.HCM. Đây là Tòa GĐVNCTN đầu tiên trên cả nước với thẩm quyền riêng biệt xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình, các vụ án dân sự, hình sự liên quan đến người chưa thành niên.
Qua 6 tháng hoạt động, đến nay, Tòa GĐVNCTN TAND.TP.HCM thụ lý giải quyết 551 vụ việc hình sự và hôn nhân gia đình theo thẩm quyền (95 vụ án hình sự với 152 bị cáo, 456 vụ, việc hôn nhân gia đình). Trong đó, có 381 vụ, việc đã được giải quyết.
Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP.HCM cho biết công tác xét xử án hình sự của Tòa GĐVNCTN luôn đảm bảo việc xử lý để người chưa thành niên phạm tội được lợi ích tốt nhất và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục. Phần lớn các hình phạt đối với người chưa thành niên được áp dụng là án treo.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động đã tồn tại nhiều vướng mắc. Cụ thể, lực lượng thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa chưa được tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực hôn nhân gia đình, về tâm lý trẻ em, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên; Hội đồng tư vấn giải quyết các vấn đề về gia đình và người chưa thành niên chưa được thực hiện vì chưa có quy chế phối hợp giữa tòa án với các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội liên quan nên việc thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng còn gặp nhiều khó khăn.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã có các ý kiến khác nhau về phạm vi thẩm quyền xét xử các vụ án liên quan đến chưa người thành niên. Cụ thể, người phạm tội đến mức độ nào thì Tòa GĐVNCTN xét xử, trong những vụ án hỗn hợp (có cả người lớn và người chưa thành niên) thì giao cho TAND xử theo thủ tục bình thường hay chuyển qua cho Tòa GĐVNCTN xử lý; Hoặc đối với các vụ án về lao động, hành chính… mà trong đó có người chưa thành niên thì xét xử theo thủ tục nào...
Băn khoăn phạm vi thẩm quyền xét xử của Tòa gia đình và người chưa thành niên 1
Các đại biểu băn khoăn phạm vi thẩm quyền xét xử của Tòa GĐVNCTN Ảnh: H.N
Lấy trẻ em làm trung tâm
PGS – TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, một trong những người chủ trì xây dựng đề án thành lập Tòa GĐVNCTN quan niệm rằng trẻ em chính là tương lai của đất nước nên phải lấy trẻ em làm trung tâm trong việc xét xử. Theo ông Độ, nếu chỉ dừng lại ở việc thành lập Tòa GĐVNCTN tại cấp tỉnh và cấp cao thì chưa đủ bởi đa phần các vụ án trẻ em phạm tội, hoặc các vụ án mà có liên quan đến trẻ em (trẻ em là người bị hại, người có liên quan, các vụ án ly hôn…) chủ yếu tập trung ở tòa cấp quận huyện.
Ông Độ đề nghị cần phải tiếp tục nghiên cứu thành lập các tòa chuyên trách hoặc bố trí thẩm phán chuyên trách ở tòa án cấp quận huyện. Ngoài ra, việc đưa ra tòa xét xử chỉ là giai đoạn cuối cùng nên không chỉ tòa án mà các cơ quan tư pháp khác như cơ quan điều tra, viện KSND… cũng cần phải có các điều tra viên, kiểm sát viên chuyên trách về gia đình và trẻ chưa thành niên.
Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự, hành chính, Bộ Tư pháp cũng cho rằng chính ở cấp quận, huyện mới là nơi tiếp xúc với trẻ chưa thành niên đầu tiên. Để đảm bảo quyền lợi của người chưa thành niên, theo bà Thoa, đối với những vụ án mà trong đó có cả bị cáo dưới 18 tuổi và bị cáo trên 18 tuổi thì Tòa GĐVNCTN xét xử toàn bộ vụ án.
Tuy nhiên, cách này thì lại không phù hợp với người những bị cáo thành niên. "Do vậy, đối với vụ án mà các bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng thì Tòa GĐVNCTN sẽ xử còn những vụ án mà các bị cáo phạm tội danh rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì tòa án thông thường sẽ xét xử", bà Thoa đề nghị.
Trong khi đó, ông Chu Thanh Quang, Vụ pháp chế và Quản lý khoa học, TAND Tối cao lại cho rằng đối với các vụ án nếu bị cáo có cả trẻ em và người lớn thì toà án thông thường sẽ xét xử bình thường, nhưng trẻ em phải được áp dụng các chính sách đặc thù dành cho trẻ em theo quy định.
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến của các đại biểu và trong thời gian tới sẽ xây dựng quy định về hoạt động của Tòa GĐVNCTN và phân định cụ thể về phạm vi thẩm quyền xét xử của tòa. Đồng thời, tổ chức đào tạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ Tòa GĐVNCT, để việc xét xử đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người chưa thành niên.
Phiên tòa không vành móng ngựa là văn minh
PGS-TS Trần Văn Độ cho biết: "Tôi đã đi khoảng 50 nước trên thế giới, ở nước nào tôi cũng ghé thăm tòa án của họ và nhận thấy không có nước nào mà ở tòa án lại có vành móng ngựa như ở Việt Nam cả. Khi chưa có bản án của tòa thì không ai được xem là tội phạm, vì vậy, việc đứng trước vành mòng ngựa là một hình thức thiếu dân chủ và không còn phù hợp với hiện nay nữa. Vì vậy, nên bỏ vành móng ngựa khỏi tòa án là một bước tiến văn minh".
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết TAND Tối cao đã xây dựng thông tư về xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, lao động… trong đó có quy định về việc bỏ vành móng ngựa tại phiên tòa. Trong tương lai, dự kiến trong các phiên tòa hình sự sẽ không còn hình ảnh vành móng ngựa nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.