Bạn làm gì khi chán việc?

23/10/2018 19:43 GMT+7

Khi bạn cảm thấy chán nản, không còn thích thú với công việc hiện tại của mình nữa, bạn sẽ tiếp tục hay thay đổi?

Chị Huỳnh Ngọc Như Ý, hiện làm kinh doanh cho một công ty bất động sản tại Q.9, TP.HCM, chia sẻ: “Mình tốt nghiệp Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cách đây 7 năm. Sau khi ra trường, do không xin được việc đúng chuyên ngành nên thời gian đầu mình xin vào làm công việc văn phòng cho một công ty xây dựng ở Q.Tân Phú (TP.HCM). Do mình là dân ở tỉnh lẻ nên mới ra trường cứ nghĩ thôi thì làm đại công việc gì đó để trụ lại Sài Gòn rồi tính tiếp và có một khoảng thời gian mình cảm thấy công việc quá buồn chán và tẻ nhạt vô cùng”.
Lý do chị Như Ý cho biết “là mình thuộc típ người làm công việc kinh doanh, thích làm những công việc năng động, thử thách bản thân, thuyết phục người khác chứ không phù hợp với công việc theo kiểu giờ hành chính sáng đi chiều về”.

Chị Như Ý kể tiếp: “Lúc đó tôi muốn nghỉ ngay công việc văn phòng để tìm công việc khác nhưng thật tình không dám mạo hiểm vì nếu nghỉ ngay thì mỗi tháng không có tiền để trang trải cuộc sống. Cho nên, tôi ráng làm thêm 2 tháng nữa để có một khoản tiền dự trữ, đồng thời tôi cũng tranh thủ thời gian tìm công việc mới. Và khi có công việc phù hợp tôi xin nghỉ ngay, thậm chí lúc đó người quản lý khuyên ở lại làm thêm một thời gian sẽ thích nghi nhưng tôi đã dứt khoát. Sau này nghĩ lại tôi thấy khi đó mình quyết định đúng”.
Theo anh Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Liên Hiệp Phát (ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM), trong bản thân mỗi người luôn tồn tại hai thứ. Một là sở trường, hai là sở thích. Nếu bạn được làm việc đúng cả hai thì quá tốt, còn nếu thiếu một trong hai yếu tố trên thì khó có thể thành công và cảm thấy hạnh phúc.
“Có đôi khi vì cuộc sống họ vẫn phải bám trụ với công việc mà mình không thích, lâu ngày ức chế, stress là không tốt. Nhưng để làm công việc mà mình yêu thích thì không đủ sống cũng rất khó. Tuy nhiên, nếu bạn đã quá chán với công việc hiện tại thì hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn để thỏa mãn đam mê của mình trong lĩnh vực mới. Khi được thỏa mãn sở thích bạn sẽ phát huy tốt hơn so với công việc cũ. Còn nếu bạn chưa đủ can đảm thì hãy tạm chấp nhận công việc hiện tại, nhưng hãy nung nấu ý chí để chuẩn bị cho cuộc bứt phá”, anh Liêm khuyên.
Có nhiều lý lý do khiến bạn cảm thấy chán nản với công việc hiện tại và không còn động lực để làm việc nữa, nhưng theo anh Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Kim Bình Long (Q.Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Nếu bạn đang cảm thấy áp lực và chán nản với công việc của mình thì việc đầu tiên bạn cần xem lại liệu với công việc hiện tại có quá cao với khả năng của mình không. Hãy nhớ lại tại sao bạn lại đến với công việc lúc đầu và nhắc bản thân những điều mình thích từ nó. Điều đó sẽ giúp bạn nhận ra những điểm trong công việc bạn muốn thay đổi để tạo ra các bước khả thi hơn. Đừng nghĩ rằng bạn sẽ chuyển từ chán nản sang yêu thích công việc của mình chỉ sau một đêm mà bước đầu chỉ cần bạn cảm thấy hài lòng 20 - 30% và cố gắng tiếp tục cải thiện".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.